Hàn Quốc và Nga tìm giải pháp cho hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên

12:47' - 08/05/2019
BNEWS Ngày 7/5 tại thủ đô Moskva (Nga), các phó đặc phải viên hạt nhân của Hàn Quốc và Nga đã tái khẳng định mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa và tìm giải pháp cho hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Ảnh: TTXVN

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Tổng Vụ trưởng Vụ các vấn đề hạt nhân Triều Tiên thuộc Bộ này, ông Jeong Yeon-doo đã thăm Moskva ngày 7/5 để tham vấn người đồng cấp Nga Oleg Burmistrov, Đại sứ lưu động phụ trách các vấn đề Triều Tiên. Ông Jeong cũng đã có buổi họp ăn trưa với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov.

Tại cuộc gặp, các quan chức ngoại giao Nga và Hàn Quốc đã tái khẳng định mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn và tìm giải pháp cho hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Hai bên cũng chia sẻ quan điểm rằng các nước liên quan cần duy trì đà đối thoại với Triều Tiên, đồng thời nhất trí tăng cường các nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán Mỹ - Triều.

Trong một diễn biến liên quan ngày 8/5, đặc phái viên phụ trách vấn đề Triều Tiên của Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành hội đàm để thảo luận các biện pháp phối hợp nhằm đối phó với vụ thử vũ khí mới đây của Triều Tiên.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong cuộc hội đàm giữa Vụ trưởng Vụ châu Á- Đại dương Kenji Kanasugi và Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun tại trụ sở Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hai bên đã tập trung phân tích vụ phóng thử vũ khí mới nhất của Triều Tiên hôm 4/5.

Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau, cũng như với Hàn Quốc để thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên.

Hai bên cũng trao đổi ý kiến về vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc từ những năm 1970, 1980. Phía Nhật Bản đã thông tin cho phía Mỹ kế hoạch của Thủ tướng Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) tiến hành đối thoại vô điều kiện với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Kim Châng Un).

Dự kiến, sau khi rời Nhật Bản, đặc phái viên Biegun sẽ tiếp tục chuyến thăm tới Hàn Quốc để thảo luận với giới chức Seoul về vấn đề Triều Tiên.

Các động thái trên diễn ra vài ngày sau khi Triều Tiên tiến hành phóng thử các thiết bị bay tầm ngắn không xác định, trong đó có vũ khí dẫn đường chiến thuật mới chế tạo. Vụ phóng được cho là nhằm thể hiện sự sốt ruột của Bình Nhưỡng khi các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ bị đình trệ.

Bất chấp động thái này, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản phản ứng thận trọng, không lên án đây là hành động khiêu khích, nhằm duy trì tiến trình đàm phán với Bình Nhưỡng./.

Xem thêm:

>>Mỹ vẫn muốn đàm phán hạt nhân với Triều Tiên

>>Washington không có ý định giảm sức ép đối với Bình Nhưỡng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục