Hãng hàng không quốc gia Indonesia chính thức bắt đầu quá trình tái cơ cấu

08:51' - 11/12/2021
BNEWS Garuda - hãng hàng không quốc gia Indonesia - đã chính thức bước vào quá trình tái cơ cấu nợ có giám sát sau một phán quyết của tòa án, song tuyên bố các hoạt động sẽ không thay đổi.

Ngày 9/12, Tòa án kinh tế quận Trung Jakarta đã chấp nhận đơn yêu cầu tạm hoãn nghĩa vụ thanh toán nợ (PKPU) do công ty công nghệ thông tin PT Mitra Buana Koorporindo đệ trình chống lại hãng hàng không này.

Phán quyết mở đầu cho giai đoạn tái cơ cấu chính thức đầu tiên, được gọi là PKPU tạm thời, có thể kéo dài 45 ngày. Tùy thuộc vào kết quả, điều này có thể dẫn đến giai đoạn thứ hai kéo dài tới 270 ngày.

Phát biểu họp báo cùng ngày, Chủ tịch - Tổng giám đốc Garuda, ông Irfan Setiaputra cho biết: “PKPU không phải là tiến trình phá sản. Tiến trình này cho phép Garuda có cơ hội đàm phán với các chủ nợ trong khuôn khổ hành lang pháp lý. Chúng tôi tin rằng quá trình này nhấn mạnh cam kết của Garuda trong việc giải quyết các nghĩa vụ của mình.”

Phán quyết trên được đưa ra sau khi Garuda đề xuất tái cơ cấu các khoản nợ của mình. Hiện hãng hàng không này đang đàm phán với khoảng 800 chủ nợ.

Hồi tháng 10/2021, một tòa án đã bác đơn kiện tương tự do PT My Indo Airlines đệ trình với lý do công ty hàng này không đáp ứng một số yêu cầu pháp lý.

Ông Irfan cho hay quá trình tái cơ cấu sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động hoặc lịch trình bay của hãng. Garuda cũng sẽ tổ chức hội chợ du lịch thường niên GATF từ ngày 10/12 với các sự kiện trực tuyến và trực tiếp.

Theo ông Prasetio, Giám đốc tài chính và quản lý rủi ro của Garuda, công ty lạc quan về việc cải thiện tình hình tài chính của mình, với sự phục hồi số lượng du khách trong tháng 12/2021 và việc nới lỏng các hạn chế đi lại vào đầu năm tới.

Ông Irfan tiết lộ rằng số lượng hành khách của Garuda đã tăng khoảng 83% trong tháng 9 so với tháng trước, trong khi lưu lượng vận tải hàng hóa quốc tế tăng 90% trong quý III/2021 so với cùng kỳ năm trước.

Garuda ghi nhận khoản lỗ ròng 1,66 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, tăng mạnh so với mức lỗ 1,07 tỷ USD vào cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với tờ Jakarta Post, chuyên gia hàng không Gerry Soedjatman cho biết quá trình tái cơ cấu nợ được kỳ vọng sẽ giúp ích cho Garuda, vì nó có thể tập hợp tất cả các chủ nợ lại một chỗ để đàm phán hàng loạt.

Theo ông Gerry, kết quả dự kiến là một giải pháp có giá trị và ràng buộc về mặt pháp lý từ PKPU. Bản thân Garuda phải chuẩn bị và thực hiện một kế hoạch kinh doanh được nhất trí với các chủ nợ trong lộ trình PKPU này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục