Hàng Việt chuyển từ ưu tiên sang chinh phục người tiêu dùng

13:18' - 16/09/2023
BNEWS Nhiều mặt hàng hiện đại sản xuất tại Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao đã, đang và sẽ tiếp tục chinh phục lòng tin của người tiêu dùng Việt.
Sau 14 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhiều mặt hàng hiện đại sản xuất tại Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao đã, đang và sẽ tiếp tục chinh phục lòng tin của người tiêu dùng Việt. Không dừng lại ở thị trường nội địa, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra nước ngoài và được người tiêu dùng ưa chuộng.

 
Nhận định về vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng: Việc xây dựng thương hiệu thông qua chương trình Thương hiệu Quốc gia, thương hiệu mạnh hay Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đều nhằm hướng tới lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc.

Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng Việt Nam” tỉnh Thái Bình đã tập trung tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, định hướng và tạo thói quen cho người dân có ý thức trong ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Theo đó, các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo kịp thời, đầy đủ biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý, tạo ra sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao, giá cả hợp lý nhằm từng bước chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.

Ngoài ra, các sở, ngành đã tập trung triển khai rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất kinh doanh.

Hơn nữa, việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu… được chỉ đạo quyết liệt và triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của các doanh nghiệp, nhà sản xuất hàng nội địa chân chính.

Đặc biệt, hoạt động phối hợp xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường được đẩy mạnh.

Mới đây, Sở Công Thương Thái Bình đã phối hợp với UBND huyện Hưng Hà tổ chức khai trương điểm bán hàng Việt tại siêu thị Phú Sơn, thị trấn Hưng Nhân. Đây là điểm bán hàng Việt Nam thứ 7 của tỉnh Thái Bình được xây dựng và đưa vào sử dụng nhằm phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất – phân phối – tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hoá thiết yếu, sản phẩm OCOP, hàng Việt Nam có thế mạnh đến tay người tiêu dùng.

Đáng lưu ý, các chương trình này không chỉ dừng lại ở khu vực thành phố, đồng bằng mà ngày càng lan toả rộng rãi tới những vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo thông qua hội chợ, triển lãm giới thiệu và đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt.

Tuy nhiên, do yếu tố địa hình và sức mua còn thấp nên độ phủ sóng của hàng Việt tại miền núi, vùng sâu vùng xa còn khó khăn. Bên cạnh đó, ngoài việc cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ, việc vận chuyển hàng Việt, nhất là hàng khó bảo quản đến khu vực miền núi dễ bị giảm chất lượng.

Là tỉnh vùng cao biên giới có 19 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Nùng, Tày, Lô Lô, Sán Dìu, Giấy, Pà Thẻn… Trình độ dân trí của đa số đồng bào còn thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

Nhằm đẩy mạnh phát triển thương mại, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, mới đây tỉnh Hà Giang đã triển khai Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, giai đoạn 2023 - 2027.

Mục tiêu của Chương trình phấn đấu đến năm 2027 đạt mức tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 15.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu đạt 880 triệu USD vào năm 2027.

Quá trình thực hiện Chương trình phát triển thương mại, dịch vụ miền núi, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2023 – 2027 của tỉnh Hà Giang sẽ được gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Tương tự, để giúp người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa tiếp cận các mặt hàng đạt tiêu chuẩn. Sở Công Thương Nghệ An đã làm tốt vai trò cầu nối lan tỏa hàng Việt về nông thôn.

Những phiên chợ Đưa hàng Việt về nông thôn”được tổ chức nhiều năm qua đã góp phần tích cực trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Qua đó, tạo được hiệu quả kép khi giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, đồng thời góp phần tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt cho người dân địa bàn nông thôn, miền núi.

Đơn cử, tại thị trấn Kim Sơn, huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An) có quy mô 20 gian hàng chủ yếu là hàng tiêu dùng như thực phẩm chế biến, rượu bia, nước giải khát, quần áo may sẵn, giày dép, túi xách, đồ dùng gia đình nhựa, nhôm; đồ gia dụng, điện tử, viễn thông, phương tiện nghe nhìn… do doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở trên địa bàn Nghệ An.

Đặc biệt tại phiên chợ này còn có các gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thực phẩm chế biến và các gian hàng ẩm thực, đặc sản địa phương cùng các trò chơi dân gian, truyền thống thu hút hàng nghìn người dân đến mua sắm, vui chơi.

Bà Nguyễn Thị Liên sinh sống tại thị trấn Kim Sơn bày tỏ, mỗi khi có phiên chợ hàng Việt về địa phương, người dân cảm thấy như ngày hội. Qua nhiều lần mua sắm tại phiên chợ hàng Việt có thể khẳng định hàng Việt do doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh có chất lượng tốt, lại thêm khuyến mãi hấp dẫn nên bà con mua được hàng hóa ưng ý, giá lại rẻ.

Theo bà Trần Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Nghệ An, Phiên chợ hàng Việt là dịp tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn tiếp cận với hàng Việt Nam có chất lượng, mẫu mã phong phú và giá cả hợp lý. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân địa phương trong mua sắm và tiêu dùng hàng Việt; phân biệt hàng thật - hàng giả, hướng dẫn cách sử dụng và bảo quản sản phẩm…

Hơn nữa, qua đó còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quảng bá hình ảnh, sản phẩm, tiếp cận thị trường nông thôn đầy tiềm năng.

Việc này nhằm mở rộng mạng lưới kinh doanh phân phối hàng hóa, khẳng định về chất lượng, giá cả hàng hóa đối với người tiêu dùng nội địa. Đặc biệt, qua đó kết nối nhà phân phối, nhà bán lẻ tại địa phương và doanh nghiệp sản xuất để có mạng lưới phân phối lâu dài, vững chắc.

Tuy nhiên, hàng hóa ở miền núi, vùng sâu, vùng xa ở địa phương này còn nhiều bất cập, chưa thấy tính bền vững. Ngân sách cho các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại tại các huyện, thị xã miền núi, vùng sâu, vùng xa còn ít nên chưa phát huy hết lợi thế của địa phương.

Song song đó, thương nhân tham gia hoạt động thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô lô hàng nhỏ, mang tính chất thương vụ, chưa có chiến lược phát triển lâu dài.

Bởi vậy, cần tăng cường hơn nguồn kinh phí hỗ trợ để tổ chức cho các doanh nghiệp khảo sát thâm nhập thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng sản xuất kinh doanh tại miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Để cạnh tranh với hàng nhập lậu giá rẻ, tăng độ phủ sóng hàng Việt ở vùng sâu vùng xa, khu vực miền núi, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh: Tới đây, cần thêm các biện pháp như tăng cường tuyên truyền cho bà con khu vực này về những mặt hàng hàng Việt Nam có chất lượng và giá cả tương đồng với hàng nhập khẩu. Từ đó có sự so sánh hàng hóa các bên để tăng sự cạnh tranh và tăng sự lựa chọn cho khách hàng.

Ngoài ra, chính sách thương mại cần có sự rà soát theo hướng giảm chi phí cho doanh nghiệp kinh doanh, buôn bán hàng hóa tại khu vực này để giảm thiểu tối đa giá thành, giúp doanh nghiệp có được nguồn hàng chất lượng, giá phải chăng.

Đặc biệt, cơ quan chức năng nên tạo điều kiện về địa điểm kinh doanh, bán hàng để doanh nghiệp có thêm lợi ích, động lực để gắn bó hơn trong việc xúc tiến và đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt tại vùng sâu, vùng xa và khu vực miền núi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục