Hành động vì tương lai bền vững và câu chuyện của Việt Nam

11:17' - 16/10/2021
BNEWS Một hệ thống lương thực - thực phẩm bền vững là hệ thống đa dạng các loại thực phẩm với đầy đủ dinh dưỡng, an toàn, giá cả phù hợp với mọi người dân và đảm bảo không có ai bị đói hay suy dinh dưỡng.

Hệ thống lương thực - thực phẩm là một khái niệm gắn liền với cuộc sống của con người. Mỗi loại lương thực - thực phẩm chúng ta lựa chọn, cách chúng ta sản xuất, chuẩn bị, chế biến hay bảo quản lương thực, thực phẩm đều là đang tham gia vào quá trình hoạt động của hệ thống này. Một hệ thống lương thực - thực phẩm bền vững là hệ thống đa dạng các loại thực phẩm với đầy đủ dinh dưỡng, an toàn, giá cả phù hợp với mọi người dân và đảm bảo không có ai bị đói hay suy dinh dưỡng.

Đi cùng với hệ thống lương thực thực phẩm bền vững là nền sản xuất tốt hơn, nguồn dinh dưỡng tốt hơn, một môi trường tốt hơn và một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đó cũng là thông điệp mà Liên hợp quốc (LHQ) muốn lan tỏa qua chủ đề chính của Ngày Lương thực thế giới 16/10 năm nay: “Hành động hôm nay, tương lai ngày mai – Cải thiện sản xuất, dinh dưỡng, môi trường và cuộc sống”.

Hệ thống lương thực - thực phẩm đang tạo công ăn việc làm cho 1 tỷ người trên toàn cầu, nhiều hơn bất kỳ ngành kinh tế nào khác.

Chỉ riêng các hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ đã tạo ra tới 33% số lương thực cho toàn thế giới ngay cả khi phải đối mặt với những thách thức như đói nghèo, không được tiếp cận nguồn tài chính, đào tạo và kỹ thuật.

Tuy nhiên, vẫn có tới khoảng 3 tỷ người, tương đương gần 40% dân số thế giới không có được chế độ ăn uống lành mạnh.

rong khi đó, số người thừa cân, béo phì do chế độ ăn uống không hợp lý và lối sống ít vận động lên tới gần 2 tỷ người. 14% lương thực trên thế giới bị hao hụt trong quá trình thu hoạch, xử lý, bảo quản và vận chuyển. 17% số thực phẩm trên toàn cầu bị lãng phí.

Hệ thống thực phẩm toàn cầu đang chiếm tới 33% lượng khí thải nhà kính do con người tạo ra. Cách con người sản xuất, tiêu thụ lương thực - thực phẩm đang gây tổn hại nặng nề cho Trái Đất.

Việc sản xuất lương thực quá thường xuyên đang làm giảm hoặc hủy hoại môi trường sống tự nhiên, đẩy nhiều loại động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres thậm chí đã cảnh báo: “Điều này đang gây ra áp lực chưa từng có trong lịch sử đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và môi trường tự nhiên của chúng ta, làm lãng phí hàng nghìn tỷ USD mỗi năm”.

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đang là thách thức toàn cầu dẫn tới tình trạng gián đoạn nghiêm trọng trong hệ thống lương thực - thực phẩm, đồng thời gây ra đợt suy thoái kinh tế toàn cầu chưa từng có. COVID-19 khiến những người nông dân rơi vào thảm họa kép. Họ vừa phải vật lộn với thiên tai khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu, vừa phải tìm đầu ra cho nông sản khi các biện pháp hạn chế, phong tỏa khiến các chuỗi lưu thông hàng hóa bị đứt gãy.

Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc (FAO) nhận định biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực tới người dân nghèo ở nông thôn, sản xuất và sản lượng nông nghiệp, có thể phần nào khiến chất lượng nông sản như hàm lượng protein, một số vitamine và khoáng chất trong các loại lương thực giảm đáng kể.

Thêm vào đó, các biện pháp phong tỏa chống dịch COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm cũng như các vật tư đầu vào như hạt giống, phân bón, làm tăng chi phí sản xuất, vận chuyển, gây áp lực đẩy giá lương thực tăng cao. Theo thống kê mới nhất của FAO, giá lương thực thế giới trong tháng 9 vừa qua đạt mức cao kỷ lục trong vòng một thập niên.

Giá lương thực tăng mạnh trong lúc tỷ lệ thất nghiệp gia tăng càng khiến tình trạng đói nghèo thêm trầm trọng. Do đại dịch, thêm 161 triệu người rơi vào tình trạng đói nghèo trong năm 2020. Con số này cao hơn tổng mức tăng trong 5 năm qua.

Đại dịch đã làm thụt lùi các nỗ lực chống đói nghèo thêm vài năm, đặc biệt đối với một số nước là cả một thập niên. Ở các khu vực thành thị, đói nghèo gia tăng khiến ngày càng nhiều người dân phải sử dụng tới các ngân hàng thực phẩm, hàng triệu người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp.

Một khảo sát của World Vision với hơn 750 hộ gia đình tại khu vực Thái Bình Dương và Timor Leste cuối năm 2020 đã chỉ ra rằng cứ 5 hộ gia đình thì có 1 hộ phải bỏ bữa hoặc dùng thực phẩm giá rẻ hơn kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát bởi vì họ không có đủ khả năng chi trả cho một bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng.

Ở châu Á, tình trạng còn tồi tệ hơn khi khảo sát của World Vision cho thấy một nửa trong số 14.000 hộ gia đình tại đây phải dùng các bữa ăn giá rẻ và ít dinh dưỡng hơn, 36% giảm số lượng thức ăn và 28% bỏ bữa.

Đại dịch COVID-19 cùng lúc khiến giá lương thực tăng, thu nhập giảm và làm gián đoạn các dịch vụ dinh dưỡng đang tạo ra tình trạng khẩn cấp lương thực toàn cầu. LHQ cảnh báo, nếu không có sự hợp tác trên bình diện quốc tế, cuộc khủng hoảng này sẽ gây ra “những hậu quả về sức khỏe và dinh dưỡng nghiêm trọng với quy mô chưa từng có trong hơn nửa thế kỷ”.

Một nghiên cứu gần đây dự báo, đến cuối năm, cuộc khủng hoảng dinh dưỡng do COVID-19 có thể khiến hơn 13,6 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thể gầy còm hoặc cấp tính, hơn 2,6 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi và hơn 283.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong.

LHQ cũng khẳng định vẫn chưa muộn để ngăn chặn tình trạng tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng này, và hệ thống lương thực - thực phẩm chính là giải pháp phù hợp.

Chủ đề của Ngày Lương thực thế giới năm nay nhấn mạnh tới cơ hội để cộng đồng quốc tế chia sẻ rộng rãi về vấn đề chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm nhằm đảm bảo tất cả người dân được cung cấp, tiếp cận đủ lương thực, đảm bảo dinh dưỡng nhưng vẫn bảo vệ môi trường, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tháng 9 vừa qua, LHQ đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về các hệ thống lương thực lần thứ nhất để nêu bật sự cấp thiết của việc chuyển đổi hệ thống lương thực một cách hiệu quả, bao trùm và bền vững nhằm đạt được mục tiêu "Không còn nạn đói" mà tổ chức đa phương này đặt ra vào năm 2030.

Tại hội nghị, các bên đều nhất trí rằng chuyển đổi các hệ thống lương thực nhằm chống đói nghèo, giảm bất bình đẳng và bảo vệ môi trường không phải là trách nhiệm và hành động của riêng nước nào hay cá nhân nào.

Với Việt Nam, nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 14,85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia.

Mặc dù bị tác động của đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nông nghiệp Việt Nam vẫn đảm bảo mục tiêu về an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu. Riêng 9 tháng năm 2021, xuất khẩu nông sản đạt 35,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Trong Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nông nghiệp với biến đổi khí hậu, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi các hệ thống lương thực - thực phẩm theo hướng xanh, ít phát thải và bền vững...

Trên tinh thần ấy, trong thông điệp gửi tới Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về hệ thống lương thực thực phẩm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng và cam kết thực hiện việc chuyển đổi và phát triển hệ thống lương thực - thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững trong bối cảnh “bình thường mới”.

Con người đã bước vào “Thập niên Hành động” để đạt được các cam kết phát triển bền vững. Đây chính là thời điểm cần đẩy nhanh các giải pháp bền vững cho những thách thức lớn nhất của thế giới, từ đói nghèo, bất bình đẳng đến biến đổi khí hậu và khoảng cách giàu nghèo.

Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong thời điểm đòi hỏi các biện pháp tập thể đầy tham vọng. Đó không chỉ là nỗ lực của các chính phủ mà còn là sự tham gia và ủng hộ mạnh mẽ của mọi tầng lớp để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội. Đã đến lúc chúng ta cần cùng nhau xây dựng vì tương lai sau này!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục