Hành trình biến vùng đất khô cằn thành Thung lũng Silicon thứ hai của thế giới

06:30' - 05/06/2021
BNEWS Greater Springfield là thành phố tư nhân đầu tiên của Australia và là thành phố có quy mô quy hoạch tổng thể lớn thứ 10 trên thế giới.

Nép sau đường bờ biển đầy nắng gió dọc thành phố du lịch nổi tiếng Gold Coast của Australia và nằm cách vùng đô thị Brisbane 25 km về phía Tây Nam, Greater Springfield hiện ra với một cấu trúc rất khác lạ. 

Đây là thành phố tư nhân đầu tiên của Australia và là thành phố có quy mô quy hoạch tổng thể lớn thứ 10 trên thế giới. Thành phố này được thiết kế dựa trên ba “trụ cột” là công nghệ, y tế và giáo dục. 

Người sáng lập Greater Springfield là “ông trùm” bất động sản người Australia Maha Sinnathamby. Ông đã đặt tham vọng biến Greater Springfield trở thành Thung lũng Silicon thứ hai của thế giới.

Theo mong muốn của Springfield City Group (SCG) - đơn vị đảm nhận việc xây dựng và phát triển Greater Springfield, thành phố chưa tròn 30 tuổi này sẽ trở thành Thung lũng Silicon thứ hai của thế giới trong một vài năm tới.

Người sáng lập Maha Sinnathamby của Greater Springfield đã nói với CNBC rằng: “Thế giới đã học được rất nhiều điều từ Thung lũng Silicon (ở Mỹ), một khu vực đã có 85 năm tuổi đời. Hãy cùng nhau thiết kế thêm một phiên bản mới nhất”. 

Nhà sáng lập Sinnathamby là “bộ não” đằng sau sự phát triển của Greater Springfield. “Ông trùm” bất động sản đứng đầu SCG - người đã dành 50 năm sự nghiệp để tạo ra các khu dân cư và thương mại trên khắp nước Australia - cho biết dự án mới nhất của ông được lấy cảm hứng từ Thung lũng Silicon và sẽ tạo ra một trung tâm kinh doanh hiện đại được thiết kế xoay quanh các trụ cột công nghệ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Hiện tại, “ông trùm” đang tìm cách thu hút các công ty tên tuổi để thực hiện giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch phát triển ước tính trị giá 68 tỷ USD của mình. Ông cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng thu hút Microsoft và Google. Bên cạnh đó, Greater Springfield cũng đang thảo luận với một công ty công nghệ đa quốc gia”.

Một trung tâm đổi mới cho châu Á-Thái Bình Dương

Tọa lạc trên khu đất rộng 7.000 mẫu Anh từng được mua với giá 6,1 triệu USD, Greater Springfield được coi là một thành phố đáng sống. Điều này trái ngược hẳn với hình ảnh một khu đất lâm nghiệp bị bỏ hoang vào thời điểm ông Sinnathamby mua lại khu đất này năm 1992.

Greater Springfield hiện là nơi sinh sống của 46.000 cư dân, nơi tọa lạc của 16.500 ngôi nhà, 11 trường học, một khuôn viên trường đại học quốc gia, một bệnh viện và một tuyến đường sắt kết nối với thành phố Brisbane lân cận. Ông Sinnathamby cho biết, thành phố cho đến nay đã hoàn thiện 25% tiến độ sau khi nhận 15 tỷ USD tiền tài trợ từ khu vực tư nhân và nhà nước.

Tuy nhiên, Greater Springfield vẫn cần thu hút nhiều doanh nghiệp hơn nữa để trở thành một trung tâm đổi mới thực sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với mục tiêu tăng gấp ba lần dân số, tạo ra 52.000 việc làm mới vào năm 2030. Đến nay, 20.000 việc làm đã được tạo ra trực tiếp và gián tiếp trong dự án, theo thông tin từ SCG.

Nhà sáng lập Sinnathamby cho biết: “Chúng tôi muốn các công ty có tiếng tăm, những người có tài và mong muốn kiếm nhiều lợi nhuận song hành cùng sự phát triển của Greater Springfield. Chúng tôi không thể tự mình gánh vác trọng trách lớn này.”

“Chiếc mồi câu” của Greater Springfield, như ông Sinnathamby chia sẻ, chính là vị trí thành phố tọa lạc trên một cánh đồng xanh ngát, giống như Thung lũng Silicon, có thể cung cấp cho các công ty một không gian để trải nghiệm.

Điều đó bao gồm việc cung cấp các nền tảng được xây dựng có mục đích, trong đó các công ty lớn và các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn có thể thực hiện nhiều sáng kiến sáng tạo đổi mới. Ngoài ra, khái niệm về một “phòng thí nghiệm thực tế” có thể cung cấp không gian để thử nghiệm các công nghệ mới liên quan đến làm việc, sinh hoạt, học tập và giải trí thông minh.

Engie SA là một doanh nghiệp hiện đang tiến hành thử nghiệm về nguồn nước tại Greater Springfield. Vào năm 2018, công ty điện lực nước Pháp đã thông qua một kế hoạch chiến lược kéo dài 50 năm để biến Greater Springfield trở thành nhà tự cấp năng lượng ròng đầu tiên của Australia.

Khái niệm nhà tự cấp năng lượng chỉ việc tiêu thụ năng lượng thực bằng 0, nghĩa là tổng lượng năng lượng được sử dụng ở một thành phố tính trong một năm xấp xỉ bằng lượng năng lượng tái tạo được tạo ra ở thành phố đó. 

Đến năm 2038, Engie SA lên kế hoạch sản xuất ra nhiều năng lượng hơn mức tiêu thụ bằng cách tập trung vào 5 trụ cột chính: Quy hoạch đô thị, cải thiện tính di động, tòa nhà, năng lượng và công nghệ.

Trong đó, tăng cường cơ sở hạ tầng xe điện, ưu tiên giao thông công cộng, xây dựng các tòa nhà thân thiện với môi trường, sử dụng tấm pin năng lượng Mặt Trời cho tất cả các mái nhà có sẵn và giữ lại 30% quỹ đất của khu vực cho không gian xanh mở là một trong những phương pháp khác nhau sẽ được sử dụng để hướng đến mục tiêu này.

Đầu tháng 5/2021, công ty khởi nghiệp Lavo ở Sydney đã chọn Greater Springfield làm trung tâm sản xuất cho bộ pin hydro 30 năm tuổi “đầu tiên trên thế giới”, được cho là có thể cung cấp năng lượng cho cả một ngôi nhà trong hai ngày chỉ với một lần sạc.

Nhân lực là vốn quý nhất 

Tại Greater Springfield, các hoạt động kinh doanh mới nhất sẽ được thực hiện trong Khu Tri thức, vốn là trung tâm làm việc chính được thiết kế để thu hút những nhân viên có trình độ và kỹ năng liên quan đến các trụ cột cốt lõi là công nghệ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, Thành phố Y tế, một khu vực y tế rộng 128 mẫu Anh, sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hàng đầu cũng như tạo ra hàng ngàn công việc trong ngành y tế, ông Sinnathamby cho biết. 

Trong khi đó, mạng lưới giáo dục cũng đang mở rộng tại Greater Springfield, bao gồm hai trường đại học mới, tập trung vào các cộng đồng bản địa, được kỳ vọng sẽ sản sinh ra những thế hệ chuyên gia mới. Ông Sinnathamby nói: “Chúng tôi cam kết rằng sự tồn tại của Khu Tri thức sẽ là một món quà cho không chỉ cho Australia mà còn cho cả thế giới”. 

Tuy nhiên, dự án phát triển thành phố Greater Springfield cũng đang vấp phải những khó khăn nhất định. Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người cân nhắc về sức hấp dẫn của các trung tâm kinh doanh lớn. Ngoài ra, một số ước tính cho thấy có tới 53% nhân viên công nghệ và truyền thông của Mỹ đã rời đi hoặc có kế hoạch rời đi vì chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn ngày càng tăng.

Tuy nhiên, ông Sinnathamby vẫn tự tin vào tầm nhìn về một thành phố tương lai của mình. Với việc tập trung vào các ngành công nghiệp mới nổi, Greater Springfield dường như đã phục hồi từ đại dịch nhanh hơn một số nơi khác. Thành phố này chỉ ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp 3,9% so với mức 5,9%, mức trung bình trên toàn tiểu bang Queensland./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục