“Hậu phương” trong phòng chống COVID: Bài cuối - Những “chiến sỹ dập dịch” trẻ tuổi

15:11' - 23/08/2020
BNEWS Đoàn viên Phạm Đặng Gia Huy đã tự trả lời câu hỏi đó bằng cách đăng ký tình nguyện phục vụ trong khu cách ly tập trung vào những ngày cao điểm chống dịch COVID-19.

Ở lứa tuổi 16, chúng ta có thể làm gì để đóng góp cho xã hội? Đoàn viên Phạm Đặng Gia Huy đã tự trả lời câu hỏi đó bằng cách đăng ký tình nguyện phục vụ trong khu cách ly tập trung vào những ngày cao điểm chống dịch COVID-19.

Có lẽ, đây sẽ là mốc thời gian đáng nhớ nhất trong thời thanh xuân của chàng trai Đà Nẵng hiền lành này.

* Quyết định từ trái tim

Trở về sau 15 ngày phục vụ trong khu cách ly, tạm xa quần áo bảo hộ, kính chống giọt bắn, bình xịt khử khuẩn, Phạm Đặng Gia Huy lại tiếp tục tự cách ly nghiêm ngặt thêm 14 ngày tại nhà.

Vẫn thân hình cao gầy, vẫn mái tóc xòa xuống trán, vẫn áo thun và quần jean đơn giản, nhưng trong mắt người thân, Gia Huy đã trưởng thành, điềm tĩnh và mạnh mẽ hơn rất nhiều sau đợt tình nguyện vừa qua.

Nhớ lại “quyết định liều lĩnh” của mình vào đầu tháng 8/2020, Gia Huy chia sẻ: “Khi nghe Đoàn Thanh niên phường vận động thanh niên tham gia tình nguyện chống dịch, mình vừa thấy hứng thú, vừa có chút lo lắng về dịch bệnh.

Nhưng mình chợt nghĩ, nếu ai cũng sợ như vậy, ai sẽ đứng lên tham gia tình nguyện để hỗ trợ các bác sỹ chống dịch đây? Nghe theo mách bảo từ trái tim, mình quyết định xung phong, góp sức cùng các anh, chị thanh niên hỗ trợ Đà Nẵng thân yêu”.

Nghĩ là làm, Phạm Đặng Gia Huy rủ thêm cô bạn thân từ nhỏ là Hồ Ngọc Oanh (cùng trú tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).

Cả hai cùng thuyết phục bố mẹ để đăng ký gia nhập “đội quân” thanh niên tình nguyện phòng, chống dịch của thành phố.

Tuy không khỏi lo lắng vì các con còn ít tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, nhưng bố mẹ của cả Huy và Oanh đều động viên, cổ vũ ý chí và việc làm ý nghĩa của các bạn trẻ.

Khi tới nhận nhiệm vụ ở khu cách ly tại Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm Đà Nẵng, Gia Huy và Ngọc Oanh nhanh chóng làm quen với 8 anh chị sinh viên khác trong Tổ tình nguyện tại đây. Tuy là em út trong tổ nhưng hai bạn luôn rất quyết tâm, nỗ lực để không thua kém các anh chị.

Tình nguyện viên Nguyễn Hoàng Thi, Tổ trưởng Tổ tình nguyện tại đây nhận xét: “Khi lao động và sinh hoạt chung, các thành viên trong tổ không có sự ngăn cách về tuổi tác. Cách cư xử của hai em đều rất chín chắn so với lứa tuổi 16 của mình.

Đặc biệt là Gia Huy, một đoàn viên biết suy nghĩ, có chính kiến riêng của mình, thường hành động nhiều hơn lời nói, nhận thức cao trong việc bảo vệ bản thân và người khác.

Huy xông xáo, tình cảm, mang lại cho người khác cảm giác dễ chịu, đáng mến, xứng đáng là một đoàn viên mẫu mực”.

* Những ngày không quên

Ngày thường vẫn là một cậu thiếu niên đam mê máy vi tính, mạng xã hội, đàn hát, ở nhà quen được bố mẹ chăm sóc.

Nhưng trong 15 ngày làm tình nguyện vừa qua, Phạm Đặng Gia Huy đã học cách tự chăm sóc bản thân và quan trọng hơn là biết chăm sóc cho người khác. “Người khác” ở đây là những người thuộc diện F1, từng tiếp xúc với các ca mắc COVID-19 và có nguy cơ cao.

Tự giác dậy từ 6 giờ, vệ sinh cá nhân xong, Huy cùng các anh chị trong đội tình nguyện khẩn trương ăn sáng và bàn bạc nhanh công việc trong ngày.

Khi xe chở thức ăn tới, các tình nguyện viên nhanh chóng mặc đồ bảo hộ và nhận các hộp cơm, đi chia cho từng người trong khu cách ly.

Sau khi chia cơm, các tình nguyện viên chờ cho mọi người ăn xong rồi lại đi thu gom, dọn đổ rác rồi mới thay đồ, khử khuẩn cơ thể. Đều đặn như vậy vào 3 bữa cơm hàng ngày.

Ngoài ra, mỗi ngày 2 lần, các tình nguyện viên còn tham gia hỗ trợ các bác sỹ đo nhiệt độ cơ thể, hỏi thăm tình hình sức khỏe toàn bộ người trong khu cách ly.

Đến 19 giờ, sau khi đã hoàn thành hết công việc, các tình nguyện viên ăn tối và có thời gian dành cho những công việc cá nhân.

Đây là lúc Gia Huy thường đàn hát, đọc sách giải trí hoặc gọi điện về hỏi thăm bố mẹ. Trước khi đi ngủ, công việc của các bạn là gọi loa nhắc nhở toàn bộ khu cách ly đi ngủ và tuân thủ các quy định chung về phòng, chống dịch.

Nhưng đối với Gia Huy, những công việc chính này không quá khó, nặng nề nhất lại là việc tiếp tế cho khu cách ly. Những lần phải khuân vác hơn 40 bình nước uống loại 20 lít lên từng phòng của khu nhà 4 tầng là không đơn giản với lứa tuổi 16 của Gia Huy.

Nhưng “làm nhiều lần cũng quen”, tình nguyện viên trẻ này cho biết: “Trung bình cứ 2-3 ngày, cả đội lại thay bình nước cho khu cách ly, khi làm thấy khá mệt mỏi nhưng hoàn thành công việc lại thấy rất khỏe mạnh. Việc mặc đồ bảo hộ rất khó chịu, bức bí, khó thở trong những ngày đầu, nhưng sau mình quen dần và nhiều khi tập trung trong công việc đến nỗi không nhớ mình đang mặc bảo hộ”.  

Chỉ như mới hôm qua, được tập huấn kỹ năng an toàn trước khi vào khu cách ly, nay đã phải chia tay trong nhiều lưu luyến. Phạm Đặng Gia Huy nhớ mãi những tình cảm, sự hỏi han ân cần của từng cô chú, anh chị trong các phòng cách ly. Ngày chia tay, nhiều người gửi lời cảm ơn, động viên, tặng những món quà tinh thần cho các thanh niên tình nguyện nhiệt tình và trách nhiệm.

Trước khi xung phong tình nguyện trong khu cách ly, Gia Huy và Ngọc Oanh vẫn là những đoàn viên nhiệt tình tham gia các chương trình làm mũ chắn giọt bắn, dọn dẹp các địa điểm công cộng, tuyên truyền người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch cùng với Đoàn phường Phước Mỹ.

Bí thư Đoàn phường Phước Mỹ Trần Hoàng Hải cho biết, tuy hai bạn là những đoàn viên thanh niên nhỏ tuổi nhất phường nhưng luôn hăng hái, năng nổ trong mọi hoạt động tại địa phương.

Đặc biệt, trong những hoạt động khó khăn, các thanh niên khác có tâm lý e dè thì hai bạn lại thường nhiệt tình gánh vác. Đây là những tấm gương sáng, có trách nhiệm xã hội, điển hình cho tinh thần “3 sẵn sàng” của thanh niên Đà Nẵng.

Trong văn bản số 5316/UBND-VHXH ngày 11/8 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã đề nghị người dân tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ủng hộ, hợp tác cùng chính quyền và đoàn thể thành phố chấp hành tốt nhất quy định phòng, chống dịch.

Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, “mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ”, toàn dân Đà Nẵng quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, sớm khôi phục cuộc sống bình thường, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Trong những cuộc chiến tranh vệ quốc trước đây, ông cha ta đã có câu “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, theo tinh thần đó, người dân Đà Nẵng, không phân biệt già trẻ, gái trai, nghề nghiệp, địa vị, đều hăng hái xung phong “đánh giặc” COVID-19.

Những ngày gần đây, số ca nhiễm mới đang ít dần , các ổ dịch đang dần được kiểm soát . Đây không chỉ là chiến công của các y, bác sỹ “tuyến đầu”, của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền mà còn từ “hậu phương” vững chắc là toàn dân Đà Nẵng./.

>>>“Hậu phương” trong phòng chống COVID: Bài 1- Những cựu binh vào cuộc chiến mới

>>>“Hậu phương” trong phòng chống COVID: Bài 2 - Những tấm áo blouse gửi tặng “tiền tuyến”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục