Hệ thống ngân hàng Malaysia sẽ đối phó thuận lợi với các “cơn gió ngược” mới

08:36' - 28/07/2022
BNEWS Theo RAM Ratings, hệ thống ngân hàng Malaysia có thể tiếp tục hoạt động hiệu quả trong năm 2023 mặc dù các điều kiện trong nước và quốc tế trở nên bất ổn hơn.
RAM Ratings - cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn nhất ở Malaysia và Khu vực Đông Nam Á (ASEAN) - cho biết, hệ thống ngân hàng Malaysia có thể tiếp tục hoạt động hiệu quả trong năm 2023 mặc dù các điều kiện trong nước và quốc tế trở nên bất ổn hơn.

Phát biểu tại cuộc hội thảo trực tuyến với tiêu đề “Khu vực ngân hàng: Chuẩn bị cho thách thức tiếp theo” diễn ra vào ngày 27/7, chuyên gia lĩnh vực ngân hàng của RAM, bà Amy Lo cho biết mức vốn hóa cao và bộ đệm hỗ trợ mạnh mẽ đã giúp các ngân hàng có vị trí thuận lợi để đối phó với những “cơn gió ngược” mới từ tác động lan tỏa của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Bà kỳ vọng phần lớn xếp hạng ngân hàng sẽ không thay đổi trong 12 tháng tới.

Theo bà Lo, RAM dự kiến tăng trưởng cho vay sẽ ở mức 4,5% - 5,0% vào năm 2022 sau khi tăng 4,5% trong năm 2021, chủ yếu nhờ cho vay hộ gia đình và doanh nghiệp đều mạnh.

Bà Lo cho biết hai lần nâng lãi suất chính sách qua đêm 25 điểm cơ bản gần đây của Ngân hàng trung ương Malaysia cùng một đợt tăng tương tự khác dự kiến vào nửa cuối năm 2022 có thể làm giảm nhu cầu tín dụng, nhưng không nên làm lệch đà tăng trưởng cho vay.

Ngoài ra, chuyên gia của RAM lưu ý rằng tỷ lệ cho vay hỗ trợ của các ngân hàng đã giảm mạnh từ 28% vào cuối tháng 12/2021 xuống khoảng 8% vào cuối tháng Tư đến giữa tháng 5/2022. Theo bà, các khoản cho vay bị suy giảm chắc chắn sẽ tăng lên khi các biện pháp cứu trợ được thực hiện, cùng với lạm phát và lãi suất gia tăng có thể ảnh hưởng nhất định đến túi tiền của những người đi vay có đòn bẩy tài chính cao.

Trong khi đó, nhà kinh tế cao cấp RAM, đồng trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế Woon Khai Jhek cho biết, đà phục hồi kinh tế sẽ vững chắc hơn trong năm nay khi đất nước chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Ông Woon nói: “Nhu cầu trong nước sẽ là động lực chính, được hỗ trợ bởi thị trường lao động linh hoạt và các biện pháp hỗ trợ chính sách liên tục, trong khi xuất khẩu cũng sẽ duy trì mạnh mẽ với nhu cầu ổn định đối với hàng điện và điện tử. Động lực vững chắc vào đầu năm 2022 dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng cả năm lên 5,8% từ 3,1% vào năm 2021”.

Tuy nhiên, ông Woon lưu ý rằng rủi ro suy giảm đã trở nên nổi bật hơn khi lạm phát chạm mức cao kỷ lục, gây cản trở tăng trưởng toàn cầu, hạn chế khả năng phục hồi kinh tế của Malaysia.

RAM Rating nổi tiếng với quan điểm độc lập và sâu sát, xếp hạng và đánh giá tín dụng của RAM được đánh giá cao ở cả thị trường trong nước và khu vực, được các nhà đầu tư và những người tham gia thị trường sử dụng để đưa ra các quyết định đúng đắn.

Được thành lập vào năm 1990 bởi Ngân hàng trung ương Malaysia và hiện được Ủy ban Chứng khoán Malaysia quy định như một phần của “cơ sở hạ tầng thể chế” để hỗ trợ sự phát triển của thị trường trái phiếu Malaysia, RAM đã đánh giá hơn 450 tỷ USD trái phiếu do hơn 750 tổ chức phát hành. Phạm vi xếp hạng của nó bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, bảo hiểm và tổ chức tài chính phi ngân hàng, tài chính dự án và các nghĩa vụ tài chính có cấu trúc. RAM cũng hỗ trợ thị trường tài chính với các dịch vụ phân tích dữ liệu và nghiên cứu kinh tế vĩ mô sâu sắc ở châu Á và toàn cầu.

RAM Ratings cũng là cơ quan xếp hạng hàng đầu thế giới về chứng khoán được phát hành theo các nguyên tắc Hồi giáo, hay còn gọi là “sukuk”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục