Malaysia trở thành thị trường hấp dẫn FDI thứ ba ở Đông Nam Á

08:00' - 19/07/2022
BNEWS Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với khu vực Đông Nam Á đã tăng lên đáng kể sau đại dịch với dòng vốn chảy vào là 175,3 tỷ USD, trong đó dẫn đầu là Indonesia, Việt Nam và Malaysia.
Năm 2021, Malaysia đã ghi nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 48,1 tỷ RM (10,81 tỷ USD).

Hưởng lợi lớn nhất là lĩnh vực sản xuất với 29,5 tỷ RM, tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ với 12 tỷ RM và khai thác mỏ 5,8 tỷ RM.

Đây là năm ghi nhận dòng vốn FDI chảy vào cao nhất của Malaysia. Trước đó trong giai đoạn 2010–2019, nước này ghi nhận lưu lượng trung bình chỉ khoảng 35,9 tỷ RM.

Về các khoản đầu tư đã được phê duyệt, Malaysia đã thu hút tổng cộng 42,8 tỷ RM trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và các lĩnh vực chính, liên quan đến 910 dự án, dựa trên số liệu mới nhất của Cơ quan Đầu tư và Phát triển Malaysia (MIDA) tính đến quý I/2022.

Tính đến ngày 7/6, có 268 dự án đầu tư được đề xuất với mức 14,4 tỷ RM trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Lĩnh vực sản xuất và dịch vụ rõ ràng chiếm ưu thế trong thu hút FDI. Các lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Malaysia.

Trong lĩnh vực sản xuất, hưởng lợi lớn nhất là thiết bị điện, vận tải và các ngành sản xuất khác với dòng vốn đầu tư 18,4 tỷ RM. Trong lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực tài chính và bảo hiểm được nhận số vốn đầu tư là 5,8 tỷ RM.

Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với khu vực Đông Nam Á đã tăng lên đáng kể sau đại dịch. Các nền kinh tế khu vực ghi nhận tổng dòng vốn chảy vào là 175,3 tỷ USD (781 tỷ RM), trong đó dẫn đầu là Indonesia, Việt Nam và Malaysia.

* Điều gì hấp dẫn FDI?

Lý do khiến Malaysia trở thành thị trường hấp dẫn FDI đầu tiên là khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ cung cấp sự ổn định và bảo mật cho các nhà đầu tư dài hạn vốn mong muốn các khoản đầu tư, nghiên cứu và sản phẩm của họ được bảo vệ. Trong khu vực Đông Nam Á, không phải nền kinh tế nào cũng có thể cung cấp điều đó.

Lý do thứ hai là khả năng tiếp cận tài chính sâu rộng của Malaysia cho phép các doanh nghiệp dễ dàng có được vốn và các khoản vay hoặc được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Các phương thức gây quỹ mới như huy động vốn từ cộng đồng và các nền tảng cho vay ngang hàng đã phát triển đáng kể trong thời kỳ đại dịch cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường Malaysia.

Ngoài ra, Chính phủ Malaysia cũng cung cấp nhiều ưu đãi. Theo Ngân sách 2022, chính phủ đã phân bổ quỹ đặc biệt 2 tỷ RM để thu hút các công ty nước ngoài đầu tư vào Malaysia và không đánh thuế thu nhập lên đến 15 năm cho các công ty sản xuất và dịch vụ chuyển hoạt động sang Malaysia.

Trong đại dịch COVID-19, MIDA đã thành lập Đơn vị Điều phối và Tăng tốc Dự án (PACU) để triển khai nhanh và hiệu quả các dự án đã được phê duyệt. Cơ quan này cũng cải tiến các biện pháp thúc đẩy và tạo thuận lợi bằng cách ra mắt cổng InvestMalaysia vào tháng 3/2021, cho phép các nhà đầu tư tiềm năng gửi và quản lý đơn đăng ký trực tuyến, bao gồm phê duyệt giấy phép sản xuất, ưu đãi và miễn thuế hải quan.

Điểm hấp dẫn khác là quan hệ đối tác thương mại của Malaysia với các nền kinh tế chủ chốt. Malaysia là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF). Điều này sẽ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thông qua Malaysia để thâm nhập các nền kinh tế khác.

Theo Báo cáo Kinh doanh 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), Malaysia đứng thứ 12 (81,50 điểm) trong số 190 nền kinh tế toàn cầu về sự hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài. Đây là sự cải thiện so với 15 - 24 năm trước. Trong khu vực, chỉ có Singapore xếp trên Malaysia.

* Các dự án hiệu quả

 

Tất cả những điều này đã mang lại nguồn lợi cho Malaysia. Một số dự án trị giá hàng tỷ USD gần đây ở Malaysia đã chứng tỏ sức hấp dẫn của nước này như một trung tâm sản xuất.

Công ty Sensata Technologies có trụ sở tại Mỹ đã chi 790 triệu RM để mở rộng cơ sở sản xuất và sẽ chi thêm 510 triệu RM trong 5 năm tới để mở rộng công nghệ và năng lực sản xuất tại Malaysia.

Nhà sản xuất mô-đun năng lượng Mặt Trời Trung Quốc Risen Energy đang tìm cách đầu tư 42,2 tỷ RM vào Khu Công nghệ cao Kulim. Công ty Infineon của Đức cũng có kế hoạch tăng đầu tư thêm 8 tỷ RM trong cùng lĩnh vực.

Xét theo ngành, điện – điện tử (E&E) rõ ràng đang chiếm lợi thế lớn nhất. Điều này cho thấy Malaysia tiếp tục là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư. Gần đây, Australia đã hứa sẽ tìm đến Malaysia để đầu tư và Trung Quốc cũng bày tỏ ý định tương tự.

Tính bền vững hiện là thành phần quan trọng đối với “tuổi thọ” của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, Malaysia vẫn chưa phát huy hết khả năng.

Điều này phù hợp với chính sách Khát vọng Đầu tư Quốc gia (NIA) do Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia (MITI) chủ trì nhằm nâng cao các tiêu chuẩn Môi trường-Xã hội-Quản trị doanh nghiệp (ESG) trong thực tiễn kinh doanh. Nhiều công ty cũng đã cam kết không phát thải ròng vào năm 2050 và thậm chí còn sớm hơn nữa.

* Các lĩnh vực chính

MITI đã xác định 5 lĩnh vực chính theo sáng kiến NIA có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào nghiên cứu và phát triển (R&D), cơ sở sản xuất và công nghệ mới. Các lĩnh vực này gồm điện - điện tử, dược phẩm, kinh tế kỹ thuật số, hàng không vũ trụ và hóa chất.

Nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ đối mặt với một số khó khăn trong năm 2023. Tuy nhiên, Malaysia vẫn phát triển mạnh mẽ nhờ sự cải thiện của thị trường lao động, trong khi chính phủ cũng đang nỗ lực để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát.

Trong tương lai, MIDA đã xác định 446 triển vọng đầu tư, bao gồm các công ty trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ với giá trị tiềm năng là 150,4 tỷ RM tính đến ngày 1/6. Điều này cho thấy triển vọng đầy hứa hẹn về dòng vốn FDI của Malaysia trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục