Hermès “vượt mặt” LVMH trở thành công ty xa xỉ lớn nhất châu Âu

07:49' - 16/04/2025
BNEWS Hermès đã vượt qua LVMH để trở thành công ty xa xỉ có giá trị vốn hóa lớn nhất châu Âu, sau khi nhà đầu tư “quay lưng” với LVMH do kết quả kinh doanh quý I/2025 gây thất vọng.

Ngày 15/4, Hermès đã vượt qua LVMH để trở thành công ty xa xỉ có giá trị vốn hóa lớn nhất châu Âu, sau khi nhà đầu tư “quay lưng” với LVMH do kết quả kinh doanh quý I/2025 gây thất vọng.

 

LVMH - tập đoàn sở hữu các thương hiệu thời trang xa xỉ như Louis Vuitton, Dior, Tiffany & Co. và chuỗi mỹ phẩm Sephora - đã không đạt kỳ vọng về doanh thu trong quý đầu tiên của năm nay, do người tiêu dùng Mỹ giảm chi tiêu cho mỹ phẩm và rượu cognac, trong khi doanh số bán hàng tại Trung Quốc vẫn yếu.

Cụ thể, doanh thu quý I/2025 của LVMH giảm 3%, trái ngược với kỳ vọng tăng trưởng 2% của giới phân tích. Điều này báo hiệu một năm đầy khó khăn nữa đang chờ ngành xa xỉ, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố loạt thuế mới khiến giới đầu tư lo ngại nguy cơ suy thoái toàn cầu. Cổ phiếu LVMH lao dốc 7%, khiến vốn hóa thị trường của tập đoàn này giảm còn 246 tỷ euro, thấp hơn mức 247 tỷ euro của Hermès.

Chuyên gia phân tích Piral Dadhania tại RBC nhận định kết quả này cho thấy “môi trường kinh doanh ngày càng thách thức đối với toàn ngành xa xỉ”. Ông đã hạ dự báo tăng trưởng doanh thu của LVMH trong năm nay từ mức 3% xuống bằng 0.

Theo bà Jelena Sokolova - chuyên gia phân tích cổ phiếu cấp cao tại Morningstar, mặc dù giá trị thị trường có thể biến động theo thời gian, nhưng phiên giao dịch 15/4 “phản ánh rõ sự khác biệt trong kết quả hoạt động và niềm tin của nhà đầu tư đối với hai công ty”. Bà cho rằng LVMH có mức độ tiếp cận rộng hơn tới phân khúc xa xỉ bình dân, trong khi Hermès phục vụ nhóm khách hàng giàu có hơn - yếu tố giúp công ty này chống chịu tốt hơn trước sự suy giảm chung của ngành.

Hermès - hãng nổi tiếng với các mẫu túi xách Birkin và Kelly có giá tới 10.000 USD/chiếc - luôn kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, chỉ tăng trưởng sản lượng khoảng 6-7% mỗi năm.

Ông Flavio Cereda - quản lý chiến lược đầu tư ngành hàng xa xỉ tại GAM – nhận định việc Hermès vượt mặt LVMH phản ánh thực tế “hậu COVID-19 kéo dài”. Trong giai đoạn bùng nổ sau đại dịch, các thương hiệu của LVMH đã giành được thị phần lớn chưa từng thấy. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng “đau đớn ngắn hạn là điều chắc chắn”, khi Louis Vuitton - thương hiệu tập trung nhiều hơn vào phân khúc tầm trung - hiện đang là điểm khiến nhà đầu tư lo ngại.

Trước đó, nhà đầu tư từng hy vọng ngành hàng xa xỉ sẽ phục hồi trong năm 2025. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại khiến triển vọng này trở nên mong manh.

Ngân hàng Deutsche cho biết, sự cải thiện ngắn ngủi vào cuối năm 2024 có thể chỉ là hiện tượng nhất thời, khi mảng kinh doanh thời trang và đồ da chủ lực của LVMH - nơi có các thương hiệu như Louis Vuitton và Dior - đã quay lại đà giảm 5% doanh thu trong quý vừa qua.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục