Hiệp định EVFTA giúp Việt Nam có vị trí thuận lợi trong trật tự kinh tế quốc tế mới

16:53' - 23/05/2020
BNEWS Với vị trí địa lý, Việt Nam có tiềm năng trở thành điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại khu vực ASEAN và Australia.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Long, tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) ngày 23/5 bày tỏ tin tưởng Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu -Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực sẽ thúc đẩy thương mại hai chiều do hàng rào thuế quan được giảm thiểu.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney về ý nghĩa của EVFTA đối với Việt Nam trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Phó Giáo sư Long chia sẻ EVFTA giúp Việt Nam đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế và có ý nghĩa lớn trong bối cảnh dịch bệnh. Trong ngắn hạn và trung hạn, hiệp định này giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu thời kỳ hậu COVID-19, khi hoạt động kinh tế tại các nước hồi phục.

Ngược lại, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội tiếp cận nguồn hàng hóa và nguyên liệu chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ Liên minh châu Âu (EU). Xét về dài hạn, hiệp định giúp Việt Nam tăng cường khả năng tiếp cận các công nghệ và kỹ thuật cao từ các nước EU để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Phó Giáo sư Long cho biết EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với trên 80% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và khoảng 99% số dòng thuế sau một lộ trình ngắn, khoảng 7 năm. Bên cạnh đó, một số điều kiện thương mại khác như tự chứng nhận xuất xứ và thủ tục hải quan cũng được nới lỏng. Ông nhấn mạnh EVFTA đưa Việt Nam vào một vị trí thuận lợi trong trật tự kinh tế thế giới mới đang hình thành, xuất phát từ những ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch COVID-19.

EVFTA là hiệp định thương mại toàn diện mà Việt Nam ký kết với các nước thành viên EU vào cuối tháng 6/2019, sau một thời gian dài đàm phán. Hiệp định này đã được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua hồi tháng 2/2020 và sẽ có hiệu lực chính thức sau khi được phê chuẩn từ phía Quốc hội Việt Nam.

Đây là một hiệp định thương mại thế hệ mới, bao gồm cả những cam kết về thể chế tại mỗi bên ký kết. Vì vậy, để khai thác Hiệp định một cách thiệu quả, theo Phó Giáo sư Long, Việt Nam cần thúc đẩy quá trình cải cách thể chế trong nước để đáp ứng các cam kết trong Hiệp định.

Cụ thể, phía Việt Nam cần rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để phù hợp với cam kết về thủ tục đầu tư, hải quan, tiêu chuẩn kỹ thuật, và đặc biệt cần kiểm soát chặt chẽ để giảm thiểu tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chú trọng một số lĩnh vực vốn không phải là những ưu tiên hàng đầu khi thực hiện hoạt động thương mại với các nước đang phát triển như kiểm dịch động, thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, và phát triển bền vững. 

Việt Nam cũng cần cải cách thể chế, chính sách trong nước để cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, đơn giản, thuận lợi, và phù hợp với các tiêu chuẩn cao nhất trong thương mại quốc tế. Chính phủ Việt Nam nên có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ các nhà đầu tư trong nước và khuyến khích đầu tư nước ngoài vào những hạng mục phù hợp trên cơ sở có chọn lọc để đảm bảo chất lượng đầu tư.

Các cơ quan quản lý cần được phân định rõ trách nhiệm, tuyệt đối tránh tình trạng diễn giải tùy tiện và không nhất quán các quy định pháp luật. Bên cạnh đó, vai trò của các hiệp hội, cơ quan đại diện, xúc tiến thương mại và các tổ chức nghiên cứu cần được tăng cường để đáp ứng được các yêu cầu mới khi làm việc trong vị thế ngang bằng với các đối tác đến từ các nước phát triển hơn.

Phó Giáo sư Long lưu ý EU là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn của Việt Nam, xét về thị phần chỉ xếp sau Trung Quốc. Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này gồm thủy sản, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, trái cây, gỗ và các sản phẩm gỗ. Khi hiệp định EVFTA được thực thi, nhiều loại thuế đối với các sản phẩm này được điều chỉnh.

 Theo ông, Việt Nam phải thực hiện nghiêm túc những quy định về chất lượng an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với các đối thủ khác vốn gần gũi hơn về mặt địa lý tại thị trường EU như Na Uy, Maroc, Trung Quốc, Ecuador. Hiện nay, Việt Nam chỉ chiếm dưới 5% thị phần nhập khẩu thủy sản của EU.

Đối với hàng dệt may, EVFTA yêu cầu quy tắc xuất xứ khá chặt chẽ. Để được hưởng thuế quan ưu đãi thì hàng dệt may của Việt Nam phải được sản xuất từ vải có xuất xứ Việt Nam, ngoại trừ một số mặt hàng cụ thể có thể sử dụng vải Hàn Quốc. Các vấn đề với hàng dệt may của Việt Nam ở thời điểm hiện tại bao gồm nguồn nguyên liệu không ổn định, chi phí lao động đang tăng, và sự cạnh tranh của các doanh nghiệp đến từ các nước khác như Trung Quốc và Ấn Độ.

Ông Long nhấn mạnh để tận dụng được những cơ hội từ hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp cần nắm vững các cam kết của Việt Nam và đối tác, đảm bảo quy tắc nguồn gốc xuất xứ để hưởng ưu đãi, chú trọng các yêu cầu về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên kết nối, chia sẻ thông tin và chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài, tham gia dây chuyền cung ứng khu vực và toàn cầu đáp ứng các yêu cầu của EU. 

Về tác động của EVFTA đối với quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước trong khu vực, bao gồm Trung Quốc, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Australia, Phó Giáo sư Long khẳng định EVFTA là nhân tố giúp Việt Nam có một vị trí thuận lợi trong trật tự kinh tế quốc tế mới đang hình thành. Nếu tận dụng tốt các cơ hội, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến cho các luồng đầu tư lớn đang dịch chuyển trên quy mô toàn cầu dưới tác động trực tiếp của đại dịch COVID-19.

Với vị trí địa lý, Việt Nam có tiềm năng trở thành điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại khu vực ASEAN và Australia. Ngoài ra, Phó Giáo sư Long bày tỏ tin tưởng Việt Nam có khả năng trở thành trung tâm chế biến cho các doanh nghiệp nước ngoài của ASEAN và Australia để xuất khẩu sang thị trường EU và ngược lại, đặc biệt đối với những mặt hàng Việt Nam có lợi thế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục