Hiệp định EVFTA: Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị cung ứng khu vực và toàn cầu

10:11' - 08/06/2020
BNEWS Sáng nay 8/6, Hiệp định EVFTA đã được Quốc hội thông qua. Hiệp định này có ý nghĩa quan trọng trong việc mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho doanh nghiệp đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được Quốc hội phê chuẩn sáng nay (8/6) tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Hiệp định này có ý nghĩa quan trọng trong việc mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho doanh nghiệp đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhân sự kiện này phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh  xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết Hiệp định EVFTA được thực thi sẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, đem lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng mà Việt Nam tham gia. Việc kết thúc đàm phán, ký kết và tiến tới phê chuẩn Hiệp định là một chặng đường bền bỉ với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước cũng như sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa các cấp, các ngành; trong đó Bộ Công Thương đóng vai trò chủ trì điều phối, với mục tiêu góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn, cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu của không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới, việc Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng, có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, định hướng sự chuyển dịch chiến lược chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu dùng theo hướng bền vững, cân bằng hơn cho Việt Nam và các nước thành viên EU.

Về phía doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc phê chuẩn EVFTA cùng với các biện pháp hỗ trợ sẽ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp, mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh.

Phóng viên: Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng định hướng và nội dung chính về kế hoạch hành động của Chính phủ về việc thực hiện EVFTA. Bộ Công Thương đã triển khai như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Để bảo đảm việc thực thi Hiệp định được hiệu quả và đầy đủ, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng định hướng lớn và nội dung chính Kế hoạch hành động của Chính phủ về việc thực hiện EVFTA. Bộ Công Thương đã triển khai với 5 nhóm công việc chính; trong đó, tuyên truyền, phổ biến thông tin và nâng cao nhận thức về cơ hội và thách thức của Hiệp định được Bộ Công Thương đã và đang đẩy mạnh triển khai tới từng nhóm đối tượng khác nhau. Mới đây, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức Hội nghị Hỗ trợ Doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA.

Với hội nghị này, Bộ tạo được nhận thức thực sự đầy đủ cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam về những cơ hội, nhưng đồng thời với đó là những thách thức, yêu cầu, đòi hỏi đối với doanh nghiệp trong nước phải tự đổi mới mình, nâng cao năng lực cạnh tranh thì mới có thể tận dụng được lợi ích mà Hiệp định mang lại.

Thông qua Hội nghị này giúp xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trung ương, các cấp chính quyền địa phương trong việc quán triệt và hướng dẫn doanh nghiệp tham gia hiệu quả việc thực thi Hiệp định, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tận dụng được tối đa những cơ hội cũng như giảm thiểu thách thức gặp phải trong quá trình thực hiện.

Để giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được lợi ích, cơ hội mang lại từ EVFTA, Bộ Công Thương đã và sẽ liên tục có những biện pháp để phổ biến, hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp. Hội nghị với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ là một trong những hoạt động trong kế hoạch chung đó.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang chủ động và tích cực triển khai các công việc như phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh việc xây dựng các văn bản pháp luật nhằm bảo đảm có cơ sở pháp lý đầy đủ cho thực thi Hiệp định EVFTA ngay khi có hiệu lực. Riêng đối với các văn bản pháp luật thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ cũng đã chủ động triển khai từ rất sớm và hiện đang trong quá trình thẩm định cuối cùng, bảo đảm ban hành đúng thời điểm Hiệp định có hiệu lực. 

Phóng viên: Bộ Công Thương đã có những giải pháp như thế nào để giúp doanh nghiệp tận dụng Hiệp định EVFTA, thúc đẩy xuất khẩu?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương đã nghiên cứu, đánh giá cụ thể về cơ hội tiếp cận thị trường EU nói chung và thị trường từng nước thành viên nói riêng đối với những ngành hàng/mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế hoặc tiềm năng. Từ đó đề ra những chiến lược, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả với mục tiêu giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, có thể thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Bộ đẩy mạnh tập huấn chuyên sâu cho cán bộ quản lý địa phương và cộng đồng doanh nghiệp về các nội dung quan trọng của Hiệp định, bảo đảm hiểu rõ, hiểu đủ và hiểu đúng để từ đó nâng cao tính hiệu quả trong việc thực thi Hiệp định. 

Bộ cũng triển khai các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực với các chương trình hỗ trợ, cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với cam kết quốc tế, tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Theo đó, Bộ tăng cường hoạt động của các Chương trình công nghiệp phụ trợ, Chương trình cấp Quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình Thương hiệu quốc gia... để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động kết nối doanh nghiệp và thị trường. Mặt khác, cung cấp thông tin thương mại, truyền thông quảng bá sản phẩm thế mạnh, năng lực sản xuất, cung ứng của Việt Nam, mở đường cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của khu vực thị trường EU.

Về mặt đối ngoại, Bộ chủ động và tích cực trao đổi với EU về chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định, ví dụ như phối hợp với EU trong việc xây dựng và hoàn thiện quy trình cấp hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta có sự chuẩn bị chủ động, kỹ lưỡng và bài bản cho thực thi một hiệp định FTA như lần này. Chính phủ đã có Kế hoạch hành động tổng thể, Bộ Công Thương cũng đã có Kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện liên tục, thường xuyên.

Mục tiêu là giúp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng được tối đa những cơ hội mà Hiệp định mang lại, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta cũng như nhiều thị trường trên thế giới đang chịu tác động lớn từ dịch COVID-19. Đây cũng là cơ hội để chúng ta có thể thúc đẩy quá trình tái cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu, tái cơ cấu các chuỗi cung ứng theo định hướng đa dạng hơn, bền vững hơn./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Hằng Trần (Thực hiện)

>>> Doanh nghiệp dệt may "biến nguy thành cơ"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục