Hơn 590 nghìn lượt hộ nghèo và chính sách được vay tín dụng ưu đãi

19:52' - 14/09/2022
BNEWS Chiều 14/9, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trong những năm qua, cùng với những chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ các hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi để có điều kiện vươn lên xóa đói giảm nghèo nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị với nông thôn. Nghị định 78/2002/NĐ-CP từ khi ban hành đã tạo điều kiện cho người dân nghèo, các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Tại Bình Thuận, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 14,96% (năm 2002) xuống còn 3,2% (cuối năm 2021).

Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, đến nay trên địa bàn tỉnh đang thực hiện cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi. Toàn tỉnh đã giải ngân cho hơn 590 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt hơn 10.500 tỷ đồng; tổng dư nợ đến ngày 31/7/2022 đạt 3.670 tỷ đồng, tăng 3.536 tỷ đồng so với năm 2002.

Trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư ở 100% thôn, khu phố, xã, phường, thị trấn trong tỉnh, góp phần giúp hơn 61 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho 67 nghìn người; trên 65 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập… Đặc biệt, trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn vốn tín dụng chính sách còn giúp các doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho trên 14 nghìn lượt người lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và 11 doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh...

Bà Võ Thị Minh Thảo, Phó Giám đốc Phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết, từ những kết quả đạt được trong 20 năm qua, trong thời gian tới, Bình Thuận đặt mục tiêu tập trung nguồn lực và thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chủ trương và định hướng của Chính phủ; phát triển Ngân hàng Chính sách Xã hội theo hướng ổn định, bền vững, đảm bảo thực hiện chính sách tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính toàn diện do Ngân hàng Chính sách Xã hội cung cấp. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác chiếm từ 15 - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội hàng năm...

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An yêu cầu các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tập trung phối hợp thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với giảm nghèo bền vững đến năm 2030; làm tốt hơn nữa công tác tín dụng chính sách xã hội để hỗ trợ ngày càng hiệu quả cho người nghèo và người yếu thế.

Để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn chính sách xã hội, tính dụng chính sách xã hội cần phấn đấu để hoạt động này không dừng lại ở khâu vay và cho vay mà phải có hình thức giúp người vay sử dụng nguồn vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh… Điều này đòi hỏi sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội tiếp tục chung tay đóng góp, tạo lập nguồn vốn để Ngân hàng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi, phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống. Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về việc gửi tín dụng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, vừa không mất quyền lợi vừa góp phần tăng cường nguồn vốn để hỗ trợ nhiều hơn cho hộ nghèo, hộ chính sách.

Tại hội nghị, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã trao 500 triệu đồng cho Quỹ Vì người nghèo tỉnh Bình Thuận. Dịp này, 35 tập thể và 95 cá nhân đã được vinh danh, khen thưởng vì thành tích xuất sắc trong 20 năm thực hiện chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục