Hiệu quả từ các phiên chợ kết nối cung cầu

14:25' - 05/07/2024
BNEWS Nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền núi hiện nay đều dành sự quan tâm đặc biệt và thường xuyên tổ chức các hội chợ, phiên chợ... kết nối cung cầu để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Các gian hàng bao gồm các sản phẩm đặc trưng địa phương như cà phê, trà, mật ong, hạt điều, hạt mắc ca, sản phẩm từ dược liệu, tinh dầu, hàng rau củ quả, hàng tiêu dùng và nhiều hàng hoá đặc sắc của các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây được đánh giá là cơ hội để xúc tiến thương mại hiệu quả, không chỉ với người tiêu dùng địa phương mà còn với du khách.

Thông qua các hội chợ, phiên chợ, gian hàng này nhằm tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh với hợp tác xã, doanh nghiệp. Qua đó, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương; khuyến khích người dân mạnh dạn khởi nghiệp, tạo việc làm, sinh kế để đa dạng nguồn thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Đồng thời, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Việc tổ chức hội chợ kết nối cung cầu phải kể đến sự tích cực vào cuộc của tỉnh Gia Lai. Ông Đỗ Văn Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương Gia Lai đã phối hợp với UBND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức phiên chợ với kỳ vọng thông qua phiên chợ sẽ giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm nông nghiệp của bà con trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến người dân trên địa bàn và du khách. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.

Theo đó, phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) năm 2024 vừa diễn ra từ 14 đến 16/6, tại đường Lê Lợi - thị trấn Ia Kha - huyện Ia Grai có quy mô 40 gian hàng. Phiên chợ đã giới thiệu các sản phẩm đặc trưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sản phẩm OCOP, các mặt hàng nông sản, thực phẩm tiêu dùng, ẩm thực tại địa phương… Phiên chợ được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương.

Trước đó, cuối tháng 4, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Păh – tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn và UBND xã Hà Tây tổ chức phiên chợ thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phiên chợ có 15 gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, hàng hoá công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng như: Rượu ghè mẹ Dung, măng khô, chuối rừng, rau, củ, quả… Các phiên chợ thu hút rất đông người tiêu dùng địa phương, du khách, mở ra một năm mới với nhiều kỳ vọng sáng cho tiêu thụ sản phẩm miền núi của địa phương.

Đánh giá về việc tổ chức các phiên chợ, các sự kiện kết nối cung cầu khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết, khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa có đặc trưng là nhiều sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP có chất lượng. Tuy nhiên, do những khó khăn về khoảng cách địa lý, về chi phí vận chuyển, chi phí quảng bá giới thiệu sản phẩm nên việc tiêu thụ các sản phẩm này không dễ dàng.

“Trong bối cảnh đó, các phiên chợ, hội chợ được tổ chức tại các địa phương chính là cơ hội xúc tiến thương mại quan trọng, không chỉ giúp người tiêu dùng được mua sắm các sản phẩm đặc sản địa phương, mà còn giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã miền núi có cơ hội quảng bá, tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm” – chuyên gia Vũ Vinh Phú chia sẻ.

Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chú trọng vào các hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản, các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương như: Hỗ trợ triển khai kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản; tổ chức các Hội nghị, hội thảo, hội chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của các địa phương nhằm kết nối tiêu thụ ổn định vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương tổ chức xây dựng mô hình phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

Đồng thời, tổ chức Hội nghị, Hội thảo giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm thế mạnh của địa phương vào các kênh phân phối hiện đại, bước đầu hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững.

Những sự kiện này đã và đang mang lại hiệu quả đáng kể trong việc mở rộng đầu ra cho các sản phẩm miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Đến nay, nhiều sản phẩm địa phương đã vào được các kênh phân phối ở các thành phố lớn. Cụ thể, các sản phẩm như miến dong, mật ong, nấm hương, mộc nhĩ, gia vị, hàng thổ cẩm… đã được bày bán tại nhiều siêu thị lớn như Saigon Coop, Go, Hapro và được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng. Các nền tảng thương mại điện tử như Postmart, Lazada, Sendo… cũng tích cực hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục