Hiệu ứng từ thuế quan của Mỹ
Động thái này đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế và đặt ra câu hỏi về tác động thực sự của nó lên nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù ông Trump khẳng định rằng các nước đối tác sẽ là bên phải chịu các mức thuế quan nói trên, thực tế cho thấy các công ty và người tiêu dùng Mỹ mới là những đối tượng chịu gánh nặng thuế quan này. Các biện pháp thuế quan mới của ông Trump có nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng tích hợp cao giữa ba nước Bắc Mỹ, vốn là nền tảng cho sức cạnh tranh của nền sản xuất Mỹ. Các công ty Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu giá rẻ từ Canada và Mexico. Việc áp thuế quan làm tăng chi phí sản xuất, khiến hàng hóa Mỹ kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ngành công nghiệp ô tô của Mỹ, với hơn 930.000 việc làm, là một ví dụ điển hình về tác động của chiến tranh thương mại. Các nhà sản xuất ô tô Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp linh kiện ở Canada và Mexico. Thuế quan làm tăng chi phí sản xuất ô tô, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty và giá bán cho người tiêu dùng. MEMA, hiệp hội các nhà cung cấp trong ngành công nghiệp ô tô, cho biết thuế quan sẽ gây nguy hiểm cho hàng trăm nghìn việc làm, tăng chi phí cho người tiêu dùng và làm suy yếu chuỗi cung ứng tích hợp ở Bắc Mỹ. Bloomberg Economics chỉ ra rằng Canada và Mexico cung cấp hơn 80% một số linh kiện ô tô quan trọng cho các nhà sản xuất ô tô Mỹ. Ông Kevin Nash, Giám đốc Tài chính (CFO) của Gentex, một công ty cung cấp công nghệ cho ngành ô tô, ước tính trong trường hợp xấu nhất, chi phí nguyên vật liệu từ Mexico sẽ tăng thêm từ 5-10 triệu USD. Công ty nghiên cứu Trade Partnership Worldwide ước tính rằng các công ty Mỹ phải trả thêm 700 triệu USD tiền thuế mỗi ngày do các biện pháp thuế quan của ông Trump. Điều này ảnh hưởng đặc biệt đến các bang biên giới như Texas và North Dakota. Không những thế, các công ty Mỹ còn đối mặt với nguy cơ đồng USD mạnh lên, gây thêm áp lực lên lợi nhuận. Theo Bloomberg Intelligence, điều này “có thể dẫn đến sự suy yếu của giá cổ phiếu giống như những gì đã xảy ra vào năm 2018” trong cuộc chiến thương mại đầu tiên mà ông Trump khởi xướng. Ông Jay Timmons, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia, cảnh báo thuế quan "đe dọa làm đảo lộn chính chuỗi cung ứng đã từng giúp ngành sản xuất của Mỹ cạnh tranh hơn trên toàn cầu". Tác động kinh tế của thuế quan không chỉ giới hạn ở ngành sản xuất. Các chuyên gia của Bloomberg Economics ước tính rằng động thái của ông Trump có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm 1,2% và chỉ số lạm phát lõi tăng 0,7%. Mức thuế trung bình của Mỹ cũng được dự đoán sẽ tăng từ gần 3% hiện tại lên 10,7%. Ông James Knightley, chuyên gia kinh tế quốc tế của ING, chỉ ra rằng các hộ gia đình có thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn do họ chi tiêu phần lớn thu nhập cho hàng hóa. Ông ước tính thuế quan sẽ khiến một gia đình bốn người Mỹ điển hình thiệt hại 3.342 USD. Việc áp thuế quan cũng làm tăng chi phí năng lượng cho người tiêu dùng Mỹ. Thuế quan đối với năng lượng nhập khẩu từ Canada, mặc dù thấp hơn so với các mặt hàng khác, vẫn góp phần làm tăng giá năng lượng. Giá xăng có thể tăng tới 50 xu/gallon ( 1 gallon = 3,78 lít) ở Trung Tây, vì Canada và Mexico cung cấp hơn 70% dầu thô nhập khẩu cho các nhà máy lọc dầu của Mỹ. Thuế quan sẽ ảnh hưởng đến Canada và Mexico nhiều hơn nữa, vì thương mại chiếm khoảng 70% GDP của cả hai nền kinh tế. Hai quốc gia này đặc biệt phụ thuộc vào thương mại với Mỹ. Hơn 80% hàng xuất khẩu của Mexico bao gồm ô tô, máy móc, trái cây, rau quả và thiết bị y tế hướng tới Mỹ. Theo Bloomberg Economics, mức thuế quan bổ sung 25% đối với những hàng hóa này có thể khiến GDP của Mexico giảm khoảng 16%, trong đó ngành công nghiệp ô tô của Mexico phải chịu thiệt hại nặng nề. Mỹ là điểm đến cho gần 80% lượng ô tô sản xuất tại Mexico, tương đương khoảng 2,5 triệu xe/năm. Thuế cũng sẽ đe dọa ngành năng lượng của Mexico, khi Mỹ là nước tiếp nhận khoảng 60% lượng dầu xuất khẩu của Mexico. Đồng thời, Mexico là điểm đến hàng đầu cho dầu tinh chế xuất khẩu của Mỹ, đáp ứng hơn 70% nhu cầu trong nước. Thuế quan của Mỹ có thể sẽ khiến nhiên liệu đắt hơn, làm tăng giá xăng và gây sức ép lên nền kinh tế nói chung của Mexico. Canada cũng phải đối mặt với một thách thức tương tự. Mỹ mua hơn 70% hàng xuất khẩu của Canada. Với các mức thuế quan bổ sung trên, ngành năng lượng của Canada sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất, vì nước này xuất khẩu 80% lượng dầu của họ sang Mỹ. Mặt khác, Trung Quốc ít phụ thuộc vào Mỹ hơn và ít phụ thuộc vào thương mại nói chung. Trong 20 năm qua, quốc gia này đã liên tục giảm tầm quan trọng của thương mại đối với nền kinh tế của mình bằng chiến lược tăng cường sản xuất trong nước. Ngày nay, nhập khẩu và xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 37% GDP của Trung Quốc, so với hơn 60% vào đầu những năm 2000. Trong những năm gần đây, thương mại Mỹ-Trung đã suy giảm, đặc biệt là trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi thuế quan và kiểm soát xuất khẩu trước đây, như phụ tùng ô tô, máy chủ dữ liệu, đồ nội thất và chất bán dẫn. Thay vào đó, Trung Quốc đã tăng cường thương mại với các đối tác khác như Liên minh châu Âu (EU), Mexico và Việt Nam. Tỷ trọng của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu đã tăng khoảng 4% kể từ năm 2016, khi Tổng thống Trump mới nhậm chức trong nhiệm kỳ đầu, trong khi tỷ trọng của Mỹ giảm. Kết hợp lại, những yếu tố này sẽ làm giảm bớt cú sốc của mức thuế quan bổ sung 10% đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Cuộc chiến thương mại đầu tiên mà ông Trump khởi xướng trong nhiệm kỳ trước còn chưa thực sự kết thúc, thì cuộc chiến thứ hai đã bắt đầu. Đối đầu hay “ăn miếng, trả miếng” sẽ không phải là giải pháp lâu dài. Trên tất cả, giải pháp tốt nhất vẫn là việc cả Trung Quốc, Canada và Mexico đều phải tìm cách đối thoại thực chất với Mỹ. Theo kế hoạch, Hiệp định USMCA sẽ được xem xét lại vào năm 2026. Đây sẽ là cơ hội để Canada và Mexico phối hợp với nhau trong việc bảo vệ các điều khoản có lợi cho thương mại khu vực và đưa dòng chảy hàng hoá lưu thông tự do trở lại. Còn Trung Quốc có lẽ sẽ thúc đẩy được đàm phán với Mỹ sớm hơn, nếu ông Trump thực hiện cam kết gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vòng 100 ngày nắm quyền đầu tiên. Việc Mỹ chỉ quyết định áp thuế bổ sung 10%, thay vì mức cao hơn hay lên tới 60% như đe doạ trước đó, đối với hàng hoá Trung Quốc cho thấy Mỹ chưa thực sự có ý định phát động “cuộc chiến toàn diện” với Trung Quốc. Nhà Trắng vẫn “để ngỏ cánh cửa” cho khả năng đàm phán với đối thủ lớn nhất của mình, cho dù đây sẽ không phải là những cuộc trao đổi dễ dàng.- Từ khóa :
- thuế quan của Mỹ
- thuế quan
- Mỹ
- Canada
- Mexico
- Trung Quốc
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Anh sẽ xem xét lại khoản thuế 700 triệu bảng với các “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ
15:46'
Anh đang chuẩn bị xem xét lại khoản thuế 700 triệu bảng Anh (869,05 triệu USD) đối với các “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại dường như đang leo thang toàn cầu.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc sẽ đáp trả thuế bổ sung với hàng hóa của Mỹ
14:55'
Trung Quốc sẽ áp đặt mức thuế bổ sung đối với một số hàng hóa nhất định của Mỹ từ ngày 10/2 tới đây.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Mỹ tạm hoãn áp thuế với Canada trong 30 ngày
07:46'
Trong cuộc gọi điện lần thứ hai trong ngày 3/2 giữa Donald Trump và Justin Trudeau, ông Trump phát biểu với giới báo chí “mọi chuyện diễn ra rất tốt”.
Tin cùng chuyên mục
-
Bình luận
Nghị định 168 và Tết Ất Tỵ - Vạn sự khởi đầu nan
10:52'
Sau hơn 2 tháng đi vào cuộc sống, đặc biệt là vào dịp Tết âm lịch Ất Tỵ, Nghị định 168/NĐ-CP đã chứng minh tính hiệu quả thiết thực, nâng cao ý thức của nhân dân, kéo giảm số vụ tai nạn giao thông.
-
Bình luận
Từ đổi mới đến khát vọng bứt phá
20:46' - 31/01/2025
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
-
Bình luận
Cú hích cho phát triển kinh tế
12:23' - 29/01/2025
Năm 2025 có thể được gọi là năm bản lề của công nghệ và chuyển đổi số trên toàn thế giới.
-
Bình luận
Khí thế mới, tư duy mới cho một Việt Nam thịnh vượng
11:13' - 29/01/2025
Năm 2025 được xem là cột mốc quan trọng trong hành trình hiện thực hóa Kế hoạch 5 năm 2021-2025, hướng tới Đại hội XIV của Đảng.
-
Bình luận
Năm 2025, thời cơ vàng cho tăng tốc, bứt phá
19:08' - 08/01/2025
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, và là năm khởi đầu cho kế hoạch giai đoạn mới.