Hỗ trợ các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu

14:28' - 25/05/2022
BNEWS Thảo luận tại tổ sáng 25/5, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến hết ngày 31/12/2023.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42.
Nghiên cứu để phát động toàn dân tham gia thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Cho ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) chỉ rõ, theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc tiết kiệm là giảm bớt hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, thời gian lao động và tài nguyên nhưng vẫn đạt được mục tiêu. Đối với lĩnh vực có định mức, tiêu chuẩn, chế độ được hình thành, tiết kiệm là việc sử dụng ở mức thấp hơn định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu; hoặc nếu thực hiện đúng định mức, tiêu chuẩn thì mục tiêu đạt cao hơn.
Trong Báo cáo của Chính phủ đã nêu việc rà soát ban hành định mức, tiêu chuẩn; tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần phải đánh giá đúng mức về sự phù hợp các chế độ, định mức, tiêu chuẩn này; đồng thời lấy đó làm thước đo đánh giá việc thực hiện tiết kiệm sau khi chế độ, định mức, tiêu chuẩn được ban hành.
Theo đại biểu, cần có cơ chế, phân chia lại hiệu quả được tiết kiệm đối với cá nhân, tổ chức đã thực hành tiết kiệm tức là khuyến khích về mặt lợi ích cho các đối tượng thực hành tiết kiệm.
Trong phát hiện lãng phí, hiện tại Luật mới quy định vấn đề bảo vệ người phát hiện lãng phí, tuyên truyền biểu dương người phát hiện. Đại biểu đề nghị cần khuyến khích ở mức độ cao hơn, có thể khen thưởng cho những người phát hiện sự việc lãng phí.

Về thực hành tiết kiệm trong nhân dân, đại biểu cho biết, khi tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm, nghiên cứu để phát động toàn dân tham gia công cuộc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cử tri mong muốn đặt vai trò, tầm quan trọng của tiết kiệm, chống lãng phí ngang với công cuộc phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đang quyết tâm thực hiện.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư công, quản lý và sử dụng tài sản công, cổ phần hóa, quản lý hoạt động thương mại điện tử, đấu thầu, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, khoáng sản, tài nguyên nước, rừng... Bên cạnh đó, Chính phủ cũng rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là các định mức, đơn giá, tiêu chuẩn kỹ thuật trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông, y tế, giáo dục…
Tán thành kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu
Thảo luận tại tổ sáng 25/5, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến hết ngày 31/12/2023, vì kết quả xử lý nợ xấu đã góp phần không nhỏ, tạo chuyển biến tích cực đối với công tác cơ cấu lại tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu năm 2016 - 2020.
Đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết 42, các đại biểu khẳng định, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã mang lại những lại chuyển biến rất tích cực, góp phần duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%, từng bước bảo đảm quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu, thể hiện tính đúng đắn về định hướng, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống tín dụng; tác động tích cực đến quá trình cơ cấu lại, phát triển của hệ thống tín dụng.
Về việc có nên kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 hay không, đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) đặt vấn đề, nợ xấu tăng là do ảnh hưởng của dịch bệnh. Vậy kéo dài thời gian thực hiện thêm một năm thì chúng ta có thể sửa đổi toàn diện hệ thống pháp luật liên quan đến xử lý nợ xấu hay không? Đại biểu cho rằng, nên tập trung nghiên cứu sửa đổi tổng thể pháp luật liên quan, đặc biệt là đưa các quy định của Nghị quyết 42 vào quá trình sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, nhất là quy định về thủ tục hành chính, sự tham gia của các cơ quan trong hỗ trợ xử lý nợ xấu.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết 42 đã nâng cao nhận thức của khách hàng trong việc đi vay, trả nợ, có ý thức hợp tác hơn với tổ chức tín dụng trong việc trả nợ, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc thu hồi nợ.

Hiện nay, số nợ xấu cần xử lý theo Nghị quyết 42 vẫn còn tương đối cao, theo Báo cáo của Chính phủ còn hơn 400 nghìn tỷ, trong khi đó, khách hàng, doanh nghiệp người dân vẫn gặp khó khăn do dịch COVID- 19, cần có thời gian để phục hồi.

Nếu dừng lại việc áp dụng Nghị quyết 42 trong khi chưa luật hóa, sẽ làm mất đi công cụ cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ xấu, tạo áp lực, thách thức lớn đối với tổ chức tín dụng, ngân hàng nhà nước, tạo hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế vĩ mô. Do đó, đại biểu đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42.
Các đại biểu cho rằng, việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến hết ngày 31/12/2023 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách mà Nghị quyết đã mang lại, tránh gián đoạn, thiếu hụt cơ chế, tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý còn cao và dự báo có thể gia tăng trong thời gian tới.
Tại phiên thảo luận tổ sáng nay về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, một số đại biểu đề nghị Chính phủ cần có đánh giá, làm rõ các tồn tại, hạn chế đối với công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất hàng năm không sát, dẫn đến vượt thu lớn, nên xây dựng, cân đối không đầy đủ các khoản vượt thu này, dẫn đến bị động trong quản lý, điều hành kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm, không phát huy được hết hiệu quả đầu tư từ nguồn thu này.
Trong năm 2020, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để cắt giảm chi thường xuyên. Nhờ đó, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách Nhà nước đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong quản lý chi tiêu thường xuyên tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội quan trọng chưa triển khai kịp thời trong năm; chi chuyển nguồn, hủy bỏ dự toán chi thường xuyên còn lớn... Các đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá, làm rõ các tồn tại, hạn chế này./.

>>>Bên lề Quốc hội: Cần làm rõ nhiều nội dung khi kéo dài quy định thí điểm xử lý nợ xấu


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục