Hoạt động sản xuất của Mỹ vẫn tăng trưởng dù nguồn cung thiếu hụt

14:04' - 02/12/2021
BNEWS Hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 11/2021 gia tăng giữa bối cảnh nhu cầu hàng hóa tăng mạnh, lạm phát duy trì ở mức cao do các nhà máy tiếp tục thiếu nguyên liệu vì đại dịch.

Cụ thể, Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho biết, chỉ số hoạt động của nhà máy chế tạo tại Mỹ đã tăng lên 61,1 (điểm) vào tháng 11 vừa qua, từ mức 60,8 trong tháng 10.

Chỉ số này trên 50 cho thấy sự tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất, vốn chiếm 12% nền kinh tế Mỹ. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo chỉ số này sẽ tăng lên 61 trong tháng 11.

Timothy Fiore, Chủ tịch ủy ban khảo sát kinh doanh sản xuất của ISM, cho biết: “Lĩnh vực sản xuất của Mỹ vẫn ở trong môi trường bị rang buộc bởi nhu cầu và chuỗi cung ứng, với một số dấu hiệu cho thấy đã có sự cải thiện nhẹ về lực lượng lao động và hoạt động giao vận hàng hóa”.

Các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang “lấy đà” trong nửa đầu quý IV/2021 đã được thể hiện rõ nét hơn bởi các dữ liệu khác được công bố ngày 1/12, bao gồm việc các doanh nghiệp tư nhân duy trì tốc độ tuyển dụng mạnh mẽ trong tháng 11/2021.

Tuy nhiên, những lo ngại rằng biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng đến nhu cầu về dịch vụ cũng như khiến nhiều người thất nghiệp tiếp tục phải ở nhà, đồng thời kìm hãm tốc độ tăng trưởng việc làm và nền kinh tế.

Ryan Sweet, nhà kinh tế cấp cao tại Moody's Analytics ở West Chester, bang Pennsylvania, cho rằng hoạt động sản xuất sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm tới, khi các doanh nghiệp bổ sung hàng tồn kho và các vấn đề chuỗi cung ứng được cải thiện.

Dù vậy, vẫn tồn tại những rủi ro, bao gồm khả năng các doanh nghiệp đặt trước quá nhiều đơn đặt hàng ngay thời điểm này và biến thể Omicron làm trầm trọng thêm các vấn đề về giá cả và chuỗi cung ứng.

Báo cáo “Sách be” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 1/12 đã cho thấy hoạt động kinh tế của nước này đang tăng trưởng ở "tốc độ khiêm tốn đến vừa phải" trong suốt tháng 10 và đầu tháng 11, nhưng lưu ý rằng đà tăng trưởng bị hạn chế bởi “sự gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động".

Tất cả sáu ngành sản xuất lớn nhất trong cuộc khảo sát của ISM, bao gồm các sản phẩm máy tính và đồ điện tử, cũng như thiết bị giao thông, đều báo cáo mức tăng trưởng vừa phải đến mạnh trong tháng vừa qua.

Thời gian giao hàng kéo dài khiến lạm phát giá hàng hóa xuất xưởng tăng cao. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đang dễ dàng chuyển chi phí sản xuất tăng cao cho người tiêu dùng và chưa có dấu hiệu phản kháng.

Ngày 30/11 vừa qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, nguy cơ lạm phát cao hơn đã tăng lên, đồng thời nói thêm rằng ngân hàng này nên xem xét đẩy nhanh lộ trình giảm bớt hoạt động mua trái phiếu tại cuộc họp chính sách sắp tới.

Các điều kiện thị trường lao động được củng cố bởi báo cáo việc làm của công ty dịch vụ việc làm và tiền lương ADP (Mỹ) ngày 1/12 cho thấy, số việc làm được tạo thêm tại khu vực tư nhân đã tăng 534.000 việc trong tháng 11/2021, sau khi tăng 570.000 việc vào tháng 10/2021.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ cũng đã giảm từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu nhân công do tác động của đại dịch đang cản trở tốc độ tăng trưởng việc làm nhanh hơn. Người lao động vẫn ở nhà ngay cả khi các công ty tăng lương, trường học mở cửa trở lại để học trực tiếp và các khoản phúc lợi “hào phóng” do Chính phủ liên bang tài trợ đã chấm dứt.

Rubeela Farooqi, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại High Frequency Economics ở White, cho biết: “Nhìn chung, những lo ngại về tình hình dịch bệnh vẫn là rào cản chính để người dân quay trở thị trường lao động”.

Theo một cuộc khảo sát của Reuters mới đây, các chuyên gia kinh tế dự báo lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ có thể tạo thêm 550.000 việc làm trong tháng 11/2021. Bộ Lao động Mỹ dự kiến sẽ công bố báo cáo việc làm chính thức của tháng 11 vào ngày 3/12./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục