Tiếng chuông cảnh báo đối với kinh tế Mỹ

05:30' - 10/11/2021
BNEWS Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm mạnh những tháng gần đây. Sự thay đổi này rất giống với tình hình trước cuộc Đại suy thoái năm 2008, cho thấy kinh tế Mỹ đang ở trong tình trạng đáng báo động.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 5/11 đăng bài viết của chuyên gia kinh tế Cao Đức Thắng, một quan chức ngân hàng Trung Quốc, nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 4/11 chính thức bắt đầu giảm quy mô mua nợ. Động thái này đánh dấu bước khởi đầu của sự chuyển hướng trong chính sách tiền tệ siêu lỏng của nước Mỹ.

Theo số liệu mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III/2021 là 2%, giảm sâu so với mức 6,7% và 6,3% của hai quý trước đó. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 65% người Mỹ trưởng thành đang tin rằng nền kinh tế rất yếu.

Tuy nhiên, vẫn có những quan chức cấp cao và học giả lạc quan về tương lai của nền kinh tế Mỹ. Theo họ, các hoạt động hàng không, khách sạn, nhà hàng trong nước đã phục hồi hoạt động từ trung tuần tháng Chín, do đó kinh tế quý IV/2021 sẽ tốt hơn nhiều.

Mặc dù vậy, theo một nghiên cứu được công bố gần đây của hai nhà kinh tế là Giáo sư Blanchfrau tại Đại học Dartmouth ở Vương quốc Anh và cựu thành viên Ủy ban lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh và Bryson, Giáo sư kinh tế tại Đại học London, niềm tin của người tiêu dùng suy giảm là một chỉ báo hàng đầu của suy thoái kinh tế, mà trong trường hợp này là kinh tế Mỹ. 

Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm mạnh trong những tháng gần đây. Sự thay đổi này rất giống với tình hình trước cuộc Đại suy thoái năm 2008, cho thấy kinh tế Mỹ đang ở trong tình trạng đáng báo động, và họ dự đoán nền kinh tế này sẽ suy thoái trong năm nay. 

Hai chuyên gia kinh tế tập trung nghiên cứu mối quan hệ giữa tâm lý người tiêu dùng và tình trạng của nền kinh tế từ năm 1978, trên cơ sở này đã dự đoán cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 sớm hơn các nhà kinh tế khác. Nhận định của hai nhà kinh tế học về sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ cũng dựa trên sự suy thoái đang tiếp diễn của thị trường lao động và lạm phát của Mỹ.

Và quan điểm của họ không đơn độc. Ngày nay, "lạm phát đình trệ" (hiện tượng kinh tế được đánh dấu bởi tăng trưởng kinh tế thấp và tỷ lệ lạm phát cao) đã trở thành một từ nóng có tần suất xuất hiện cao trong tìm kiếm của Google. Từ Goldman Sachs, Bank of America đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều đưa ra cảnh báo về tình trạng "lạm phát đình trệ" ở Mỹ. 

Goldman Sachs mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay, trong khi Bank of America cho rằng sự sụp đổ chênh lệch lãi suất trái phiếu quốc gia báo hiệu lạm phát đình trệ hoặc suy thoái đang đến. 

Chuyên gia Nouriel Roubinidự đoán rằng Mỹ sẽ phải đối mặt với tỷ lệ "lạm phát lớn" của những năm 1970. Một nhà đầu tư nổi tiếng khác gần đây thậm chí đã khẳng định rằng thế giới và Mỹ đang tiếp cận "thị trường gấu” (thị trường giá xuống) lớn nhất từ trước đến nay.

Những cảnh báo này hoàn toàn không phải chỉ để cảnh báo. Trên thực tế, nền kinh tế Mỹ đang sa vào vũng lầy của nhiều cuộc khủng hoảng.

Chúng tương tác và làm trầm trọng thêm lẫn nhau, với các yếu tố như lạm phát tăng cao, nợ chính phủ khổng lồ đang phải đối mặt với mức trần, tình trạng thiếu lao động trên thị trường việc làm và khủng hoảng chuỗi cung ứng tiếp tục trầm trọng hơn. 

Trong tháng 8/2021, sản lượng công nghiệp của Mỹ giảm 0,4% và trong tháng 9/2021 là 1,3%. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đối với tăng trưởng kinh tế đang nổi cộm.

Sự sụp đổ chuỗi cung ứng ở Mỹ đã diễn ra trong nhiều tháng. Tình trạng tắc nghẽn tại cảng, tàu chở hàng ùn ứ, không đủ năng lực, hệ thống đường bộ và đường sắt lạc hậu đã khiến các container tại cảng chất đống, trong khi các kệ hàng bán lẻ trống trơn, khiến chuỗi cung ứng và hệ thống logistics đang đứng trước bờ vực sụp đổ. 

Sự thiếu hụt nghiêm trọng của nhân viên bốc xếp, tài xế xe tải và công nhân kho hàng là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng. Những người trong ngành dự đoán rằng "nút thắt cổ chai" của chuỗi cung ứng Mỹ sẽ tiếp tục trong ít nhất một đến hai năm.

Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng ngày càng gia tăng đã bộc lộ vấn đề cấu trúc xã hội sâu sắc của Mỹ. Kể từ khi có đại dịch, việc hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Joe Biden "rải" tiền và trợ cấp thất nghiệp đã mang lại cho nhiều người Mỹ các khoản tiền hậu hĩnh, điều có thể thay đổi vĩnh viễn mức độ sẵn sàng làm việc của người dân. 

Vì được nhận trợ cấp thất nghiệp hết đợt này đến đợt khác, nhiều người không còn muốn quay lại làm việc, hoặc chủ động xin nghỉ việc để tìm một công việc lương cao hơn.

Kể từ khi đại dịch xuất hiện, sự phân bổ của cải ở Mỹ đã tăng tốc độ phân cực, sự giàu có của các tỷ phú tăng vọt, trong khi các tầng lớp trung lưu trở xuống phải chịu cảnh thu nhập bị thu hẹp và chất lượng cuộc sống giảm sút do lạm phát. 

Lớp trên cùng dựa vào vốn để kiếm lời, trong khi lớp dưới cùng chọn “nghỉ ngơi”. Điều này một mặt dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng chục triệu lao động ở Mỹ, và mặt khác là làn sóng tự nguyện từ chức trên quy mô lớn. 

Vào tháng 8/2021, khoảng 4,3 triệu người ở Mỹ đã tự nguyện nghỉ việc và những công nhân bến tàu cấp thấp, công nhân kho hàng, tài xế xe tải, bồi bàn trong các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng, công nhân sản xuất, y tá và các công việc khác là những người đầu tiên phải chịu gánh nặng. Cùng với làn sóng nghỉ việc của lao động, nước Mỹ đã vấp phải làn sóng đình công. 

Làn sóng đình công đang quét qua nhiều ngành công nghiệp ở Mỹ, bao gồm máy móc, khai thác mỏ, dầu khí, thực phẩm, chăm sóc y tế và sản xuất phim, càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng thiếu lao động ở nước này.

Sự thiếu hụt lao động làm tăng mức lương, từ đó dẫn đến một vòng xoáy "tiền lương - giá cả", làm gia tăng dự báo lạm phát và làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng. Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng Mỹ do Liên đoàn các Doanh nghiệp lớn Thế giới và Đại học Michigan công bố gần đây đã giảm lần lượt 25,3 điểm phần trăm và 18,4 điểm phần trăm so với mức cao trong năm. 

Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và nguồn cung chậm trễ cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, trong khi tâm lý bi quan lan rộng trong các chủ doanh nghiệp. 

Dưới nhiều áp lực như thiếu hụt năng lượng toàn cầu, làn sóng tăng giá hàng hóa mới, và khó khăn trong logistics quốc tế, trong ngắn hạn khó có thể giải quyết tình trạng thiếu cung và lạm phát cao ở Mỹ.

Kể từ đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế của Mỹ chủ yếu được hỗ trợ bởi các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ quy mô lớn. Cùng với việc gói kích thích 1.900 tỷ USD sắp hết hạn vào đầu năm tới, tác dụng của chính sách kích thích đang dần mờ nhạt. Đồng thời, áp lực lạm phát tiếp tục tăng cao đã buộc Fed phải xem xét giảm quy mô mua trái phiếu.

Một khi cỗ máy in tiền tiện dụng của Fed ngừng chạy, thị trường tài chính của Washington sẽ không còn nguồn cung, phục hồi kinh tế sẽ gặp khó khăn và bong bóng thị trường chứng khoán vốn được định giá quá cao cũng sẽ đối mặt với nguy cơ vỡ. 

Đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Mỹ và gây ra một chấn động lớn trên thị trường tài chính. Thiếu hụt lao động, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và tác động kích thích chính sách giảm sút đã khiến đà tăng trưởng yếu đi, sự chuyển dịch chính sách tiền tệ của Fed rất có thể sẽ là một “cọng rơm” khác gây sức ép lên nền kinh tế Mỹ.

Đến lúc đó, có thể hình dung nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái hoặc lạm phát đình trệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục