Hoạt động sản xuất khởi sắc tại châu Á

21:30' - 03/06/2024
BNEWS Theo một cuộc khảo sát của khu vực tư nhân được công bố ngày 3/6, hoạt động chế tạo của Trung Quốc trong tháng 5/2024 đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong khoảng hai năm qua.
Cụ thể, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của khu vực chế tạo Caixin/S&P Global đã tăng lên 51,7 trong tháng 5/2024, từ mức 51,4 của tháng 4/2024, đánh dấu tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/2022 và vượt con số dự báo của các nhà phân tích là 51,5.

Kết quả khảo sát này trái ngược với cuộc khảo sát chính thức hôm 31/5 cho thấy hoạt động sản xuất bất ngờ sụt giảm. Cuộc khảo sát Caixin được cho là thiên về các công ty nhỏ hơn, hướng tới xuất khẩu, so với chỉ số PMI chính thức có quy mô rộng lớn hơn nhiều.

 
Theo phản hồi của các công ty tham gia khảo sát, hoạt động sản xuất đã được hỗ trợ nhờ nhu cầu trong và ngoài nước mạnh hơn. Tuy nhiên, đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng chậm hơn nhiều so với mức cao nhất 41 tháng của tháng 4/2024. Nền kinh tế toàn cầu ảm đạm vẫn là một rào cản.

Chuyên gia kinh tế cấp cao Wang Zhe tại Caixin Insight Group cho biết, sẽ cần thời gian để tìm ra giải pháp cho những vấn đề đang tích tụ này. Các chính sách hướng tới ổn định nền kinh tế, thúc đẩy nhu cầu nội địa và tăng việc làm cần được củng cố và nhất quán.

Để đáp ứng các yêu cầu sản xuất hiện tại, các nhà máy đã đẩy mạnh hoạt động mua hàng, trong đó số lượng mua hàng tăng với tốc độ mạnh nhất trong ba năm.

Niềm tin của các nhà sản xuất được cải thiện so với tháng 4/2024. Tuy nhiên, thị trường việc làm vẫn yếu, giảm 9 tháng liên tiếp. Nền kinh tế Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, vốn đã ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 lên 5%, từ mức dự báo trước đó là 4,6%.

Tại Nhật Bản, theo cuộc khảo sát của khu vực tư nhân được công bố cùng ngày, hoạt động sản xuất của nước này đã tăng lần đầu tiên trong một năm vào tháng 5/2024. Tuy nhiên, tốc độ tăng khá khiêm tốn và nhu cầu vẫn yếu, trong khi đồng yen giảm khiến chi phí nhập khẩu các mặt hàng tăng đối với một số nhà sản xuất.

Chỉ số PMI của Ngân hàng Nhật Bản Jibun đã tăng lên 50,4 trong tháng 5/2024, so với mức 49,6 của tháng 4/2024.

Các nhà sản xuất Nhật Bản hy vọng lĩnh vực ô tô và bán dẫn sẽ phục hồi.

Theo Pollyanna De Lima tại S&P Global Market Intelligence, kết quả khảo sát cho thấy "những xu hướng tích cực trong toàn ngành sản xuất, với số đơn đặt hàng mới và sản lượng nhìn chung ổn định, và các doanh nghiệp vẫn lạc quan về năm tới".

Một thách thức khác mà các nhà sản xuất hàng hóa phải đối mặt là áp lực chi phí gia tăng do đồng yen giảm giá khiến giá nhập khẩu tăng lên.

Đồng yen yếu và tác động của nó đến giá nhập khẩu cũng như tiêu dùng nội địa đã trở thành một vấn đề đau đầu đối với Ngân hàng trung ương Nhật Bản khi họ muốn tăng lãi suất trở lại sau khi quyết định chấm dứt lãi suất âm trong một động thái mang tính bước ngoặt hồi tháng 3/2024.

Trong một khảo sát khác, hoạt động sản xuất của Hàn Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong hai năm qua trong tháng 5/2024.

Chỉ số PMI của các nhà sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ tư của châu Á, do S&P Global thu thập, đã tăng lên 51,6 trong tháng 5/2024, so với mức 49,4 trong tháng 4/2024. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 5/2022.

Xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng kể từ tháng 10/2023 và là động lực lớn nhất cho tăng trưởng trong quý I/2024 của nền kinh tế vốn phụ thuộc vào thương mại này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục