Học thuyết tiến hóa của Darwin có áp dụng trong cuộc khủng hoảng COVID-19? (Phần 1)

06:30' - 02/04/2020
BNEWS Câu hỏi được giới chuyên gia đặt ra lúc này là liệu nền kinh tế toàn cầu sẽ thu hẹp chỉ 1/10 hay lên tới 1/3, và sự sụt giảm tăng trưởng sẽ kéo dài trong ba tháng, sáu tháng hay nhiều hơn?
Học thuyết tiến hoá của Darwin có áp dụng trong cuộc khủng hoảng COVID-19? Ảnh: TTXVN phát

Các chính phủ trên khắp thế giới đang đưa ra nhiều ước tính về thiệt hại kinh tế của các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19

Có lẽ không ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác vào thời điểm này, kể cả trong khối doanh nghiệp - những thực thể đang phải ngày đêm chạy đua với ước tính thiệt hại về dòng tiền và các nguồn lực sẵn có. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là một vài công ty sẽ giành được sức ảnh hưởng lớn hơn giữa bối cảnh hỗn loạn hiện nay, trong khi một số khác đối mặt nguy cơ lụi tàn. 

Khủng hoảng cũng giống như một quá trình chọn lọc tự nhiên theo học thuyết Darwin. Những công ty có tiềm lực tài chính mạnh, ví dụ như Apple với khoản dự trữ tiền mặt lên tới 207 tỷ USD, lớn hơn cả các biện pháp kích thích tài khóa của một số quốc gia, sẽ là những đối tượng có thể được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng hiện tại. Cùng với Apple, “đại gia” Unilever cũng đang bỏ ra rất nhiều tiền để “cứu cánh” cho các nhà cung cấp của mình.

Theo các chuyên gia, về lâu dài, nhóm những công ty như Apple và Unilever – hay còn gọi là “những chú chim đầu đàn” – sẽ giành được nhiều thị phần hơn bằng cách tăng cường đầu tư, hoặc mua lại những đối thủ bị “mắc kẹt” trong cuộc khủng hoảng.

Suy thoái kinh tế phô bày ra những mô hình kinh doanh và bảng cân đối kế toán yếu kém. Trong ba cuộc suy thoái gần nhất, giá cổ phiếu của các công ty Mỹ trong nhóm 1/4 doanh nghiệp lớn nhất của mỗi lĩnh vực trong tổng số 10 lĩnh vực được khảo sát đã tăng trung bình 6%, trong khi những đối tượng ở nhóm 1/4 dưới cùng lại giảm 44%. 

Theo các ước tính, chiều hướng sụt giảm về doanh số và lợi nhuận doanh nghiệp trong năm 2020 sẽ lao dốc mạnh hơn, mặc dù cuộc suy thoái có thể diễn ra trong thời gian ngắn hơn so với những mô hình truyền thống. 

Một vài công ty chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các lệnh cấm du lịch và mua sắm là minh chứng về mức độ suy giảm nghiêm trọng này. Hãng bán lẻ thời trang Primark ngày 23/3 cho biết, họ sẽ đóng cửa tất cả 376 cửa hàng tại 12 quốc gia, chấp nhận mất đi nguồn doanh thu hơn 770 triệu USD/tháng, nhưng lại chỉ tiết kiệm được 50% tổng chi phí. 

Mặc dù vậy, đối với hầu hết các công ty khác, bức tranh tuy ảm đạm nhưng không quá tăm tối, bởi một số nhà máy vẫn đang hoạt động và các công ty văn phòng có thể làm việc từ xa. 

Cho đến nay, nhiều công ty đã công bố một loạt động thái cắt giảm cổ tức và mua lại cổ phần, nhưng chỉ số ít nói đến những thiệt hại về tiền. Để nhận định về khả năng phục hồi của doanh nghiệp, The Economist đã khảo sát 800 công ty lớn nhất niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ và châu Âu. 

Những công ty này được chấm điểm trung bình dựa trên bốn phương diện là chi phí bảo đảm nợ để tránh kịch bản phá sản, tỷ suất lợi nhuận hoạt động, bộ đệm tiền mặt và đòn bẩy. 

Kết quả khảo sát cho thấy một vài công ty cỡ trung được chấm điểm khá cao, song cao nhất vẫn là nhóm các doanh nghiệp lớn (dựa trên thước đo về sự định giá và lợi nhuận). 

Top 100 công ty “khỏe mạnh” nhất có giá trị doanh nghiệp trung bình gần gấp đôi so với 100 công ty nhỏ hơn và lợi nhuận hoạt động trung bình cao hơn 17%. Trong khi đó, giá cổ phiếu của họ cũng sụt giảm ít hơn trong những tháng vừa qua, với mức giảm trung bình 17%, so với con số 36% của 100 doanh nghiệp dễ tổn thương nhất trong cuộc khảo sát.

Nằm trong nhóm Top 100 đứng đầu, các công ty công nghệ chiếm đến 48%, với Microsoft đứng thứ 10, Apple đứng thứ 13, Facebook thứ 14 và Alphabet đứng thứ 18. 

Nguyên nhân là do trong tâm bão khủng hoảng, những công ty này có bộ đệm tiền mặt lớn, trong khi nhu cầu thị trường đối với một số sản phẩm của họ đang tăng mạnh, ví dụ như phần mềm làm việc nhóm của Microsoft. 

Ngoài ra, trong nhóm Top 100 doanh nghiệp hàng đầu còn có 24 công ty khác là các doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, có rất nhiều “người chơi” lại đang tỏ ra yếu thế, đó là các doanh nghiệp vận tải, bán lẻ và giải trí (ví dụ như Marks & Spencer hoặc American Airlines)./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục