Hội nghị GMS6 - CLV10: Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu vực

17:16' - 30/03/2018
BNEWS Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu vực GMS là chủ đề phiên 2 thảo luận chuyên đề thuộc Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS diễn ra chiều ngày 30/3 tại Hà Nội.
Các đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề: “Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu vực GMS”. Ảnh: TTXVN

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10.

Phát biểu tại phiên họp, Ông Ousmane Dione, Giám đốc Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận, nông nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và động lực của sự phát triển bền vững ở các quốc gia GMS.

Các nước cần phát triển ngành nông nghiệp có tính cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập tốt vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Đại diện phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, hiện nay khu vực GMS đang đối diện với hàng loạt thách thức để tận dụng những lợi thế về nông nghiệp.

Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, không chỉ giới hạn trong tự do hóa thương mại hàng hóa mà còn mở rộng ra những lĩnh vực khác như dịch vụ, đầu tư và tạo sức ép cạnh tranh lên sản xuất nông nghiệp.

Trong khi đó, khung pháp lý hiện nay vẫn chưa hoàn thiện để đáp ứng tình hình mới; cũng như việc xử lý các tranh chấp thương mại còn hạn chế.

Thị trường nông sản thế giới rộng mở nhưng cơ cấu thay đổi nhanh chóng theo hướng giảm ngũ cốc, tăng sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, rau quả; giảm tiêu thụ trực tiếp sản phẩm thô giá rẻ, tăng tiêu thụ sản phẩm chế biến tinh, chế biến sau và các sản phẩm cao cấp.

Người tiêu dùng cũng có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều những sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn và có lợi cho sức khỏe con người. Thị trường nông sản thế giới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động không ngờ. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đến nhanh và mạnh hơn dự báo; thiên tai ngày càng khắc nghiệt với mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn.

Tài nguyên đất, tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, nông nghiệp của các nước GMS đa phần còn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết chuỗi giá trị.

Trình độ khoa học công nghệ nông nghiệp ở mức thấp, ứng dụng công nghệ cao chưa phát huy mạnh mẽ.

Do đó, đòi hỏi quyết sách đúng đắn và sự hợp tác sâu rộng hơn cho sự phát triển của khối GMS, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết luận. Để giải quyết những thách thức nói trên, Bộ trưởng cho rằng, cần chuẩn bị sẵn sàng năng lực cạnh tranh khi tham gia hội nhập quốc tế; tập trung phát triển công nghiệp chế biến và xây dựng liên kết chuỗi giá trị với những cơ chế hợp tác phù hợp để xử lý rủi ro và ứng phó với biến động của thị trường.

Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư và hợp tác chặt chẽ trong phát triển khoa học công nghệ để không chỉ hỗ trợ cho phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp mà còn trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý rủi ro thiên tai và sẵn sàng thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp độ địa phương, cấp độ quốc gia và cấp độ vùng.

Tại phiên họp, ông Samuel Maruta, nhà sáng lập và Chủ tịch Công ty sôcôla Marou (Faiseurs de Chocolat) chia sẻ về câu chuyện kinh doanh, những kinh nghiệm từ thực tiễn đầu tư tại Việt Nam.

Ông Maruta khẳng định, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển ngành nông nghiệp. Cho dù còn khó khăn, cho dù chịu tác động bởi nhiều yếu tố khách quan song nếu Chính phủ, các doanh nghiệp và người nông dân có cách tiếp cận mới, thay đổi phương thức hợp tác, chắc chắn ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều phát triển.

Sau nhiều năm đầu tư tại Việt Nam, ông Maruta cho biết, để đứng vững trên thị trường, Công ty Marou đã tìm mô hình kinh doanh sản xuất mới. "Bean to Bar" (từ hạt cacao đến thanh sôcôla) là triết lý kinh doanh của công ty.

Theo đó, đặc biệt chú trọng tới nguyên liệu, tới nguồn cung cấp đầu vào. Marou thành công là nhờ việc hướng tới sản xuất nhỏ nhưng đảm bảo chất lượng tuyệt phẩm. Đây cũng đang trở thành xu hướng của thế giới thay vì mô hình kinh doanh truyền thống chỉ tập trung vào quy mô lớn và sản xuất đại trà.

Điều làm nên thương hiệu sôcôla Marou nổi tiếng chính là việc sử dụng 100% nguyên liệu từ hạt cacao của Việt Nam; đường của Việt Nam và sữa dừa của tỉnh Bến Tre.

Ông Maruta cũng chia sẻ câu chuyện marketing rất độc đáo khi luôn chú trọng vai trò trung tâm của nhà sản xuất là người nông dân; luôn đảm bảo sự công bằng đối với người nông dân, với khách hàng và các đối tác kinh doanh; luôn đảm bảo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi giữa người sản xuất thương phẩm và nông dân, người cung cấp nguyên liệu.

Cùng với đó, Công ty Marou luôn nỗ lực hạn chế thấp nhất những tác động sản xuất đối với môi trường.... Vì thế, cho dù, sản phẩm sôcôla của Marou không rẻ, song luôn bán được giá cao và khách hàng trên toàn thế giới ưa chuộng tin dùng.

Đây có thể được xem là bài học kinh nghiệm quý báu để chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp các nước GMS nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp./.

Xem thêm:

>>>Hội nghị GMS 6 - CLV 10: Kết nối để cạnh tranh mạnh mẽ hơn

>>>Doanh nghiệp khu vực GMS chia sẻ tầm nhìn phát triển, cơ hội kết nối trong tương lai

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục