Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên: Chuyên gia tại Séc kỳ vọng về kết quả tích cực

09:28' - 26/02/2019
BNEWS Một số chuyên gia tại Séc cho rằng hội nghị sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong con mắt của các cường quốc trên thế giới.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai diễn ra tại Hà Nội, một số chuyên gia tại Séc cho rằng hội nghị sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong con mắt của các cường quốc trên thế giới, đồng thời giúp ổn định an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là khu vực Đông Bắc Á.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un xuống tàu hỏa tại ga Đồng Đăng lúc 8 giờ 20 phút. Ảnh: Nhan Sáng – TTXVN

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Séc về ý nghĩa Hà Nội được chọn làm địa điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai, Tiến sĩ Takashi Hosoda, chuyên gia nghiên cứu về an ninh châu Á-Thái Bình Dương, giảng viên Đại học Tổng hợp Charles của Séc, cho rằng việc Hà Nội được chọn mang ý nghĩa vô cùng to lớn đối với Việt Nam, bởi điều này cho thấy vai trò và vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế, và giúp thúc đẩy du lịch Việt Nam thông qua quảng bá về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Ông Hosoda nhận định Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sẽ là cơ hội thúc đẩy kênh đối thoại với Washington, tăng cường mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đồng thời thể hiện sự tin tưởng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.

Hội nghị cũng giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là trong con mắt của các cường quốc trên thế giới. Mặt khác, hội nghị sẽ góp phần cải thiện quan hệ Mỹ - Triều Tiên, giúp ổn định an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là khu vực Đông Bắc Á.

Theo ông Hosoda, điều quan trọng nhất mà hội nghị này mang lại là tạo động lực và đòn bẩy để cả hai bên cùng nỗ lực thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Ông Hosoda cũng lạc quan về kết quả của hội nghị nhưng không kỳ vọng lớn về việc sẽ đạt được kết quả rõ nét trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Quá trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là một quá trình lâu dài vì Triều Tiên coi hạt nhân là tấm lá chắn bảo vệ an ninh của quốc gia này.

Do đó, trước mắt, rất khó có thể ép Triều Tiên chấp nhận phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Hơn nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã phát biểu: “Hội nghị thượng đỉnh lần 2 không phải là cuộc gặp cuối cùng giữa hai bên Mỹ - Triều Tiên”.

Về phần mình, Tiến sĩ Jan Hornat - chuyên gia nghiên cứu về Mỹ, Viện Quan hệ quốc tế Bộ Ngoại giao Séc bình luận, đối với Việt Nam, hội nghị này giúp nâng cao đáng kể hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Các nước đều mong muốn có cơ hội được đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên.

Năm ngoái, dư luận đồn đoán Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ nhất có thể được tổ chức tại Praha - Cộng hòa Séc. Tuy nhiên, cuối cùng sự kiện này diễn ra tại Singapore.

Bên cạnh đó, hội nghị tại Hà Nội sẽ mang lại ý nghĩa to lớn về mặt chính trị, kinh tế và chiến lược đối với Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12/6/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Sự kiện này cho thấy hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế đã được nâng tầm, đồng thời chứng tỏ vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực. Sự kiện này còn cho thấy sự phát triển mạnh mẽ quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vì đây là lần thứ hai Tổng thống Trump tới Việt Nam.

Điều đó thể hiện Việt Nam và Hoa Kỳ có nhiều điểm tương đồng trong tương lai về phát triển kinh tế. Sự phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ như hiện nay cũng tương tự như sự phát triển quan hệ giữa Séc và Đức. Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, Đức xâm chiếm Tiệp Khắc, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại mối quan hệ giữa Đức và Séc phát triển tốt.

Dự báo kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai tại Việt Nam, ông Hornat cho rằng thành công của cuộc gặp lần này phụ thuộc vào thỏa thuận cụ thể đạt được mang tính định hướng giữa hai bên để tiến tới phi hạt nhân hóa.

Hội nghị lần thứ nhất dường như chỉ mang tính tượng trưng vì hai bên không thống nhất được các vấn đề cụ thể. Theo ông Hornat, lần này hai bên cũng đã phối hợp làm việc ở các cấp chuyên viên.

Theo ông Vaclav Kopecky, chuyên gia nghiên cứu an ninh châu Á, Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Séc, các nước Trung-Đông Âu nói chung, nhất là Séc, rất quan tâm tình hình Bán đảo Triều Tiên vì Séc có Đại sứ quán tại Triều Tiên.

Trong khi, Tiệp Khắc và Ba Lan trước đây là thành viên của Ủy ban các quốc gia trung lập giám sát việc thực thi Hiệp định đình chiến trên Bán đảo Triều Tiên.

Ông Kopecky cho rằng việc giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên có ý nghĩa rất quan trọng vì nếu xảy ra xung đột trong khu vực này sẽ gây ra thảm họa kinh hoàng về nhân đạo cũng như về kinh tế.

Ông hy vọng hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Việt Nam sẽ tạo động lực giúp giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên góp phần ổn định môi trường an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục