Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi: Thành công lớn cho nước chủ nhà về năng lượng hạt nhân

05:30' - 02/11/2019
BNEWS Rosatom thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ tại Diễn đàn kinh tế Nga-châu Phi, tổ chức song song với Thượng đỉnh Nga-châu Phi. Gian hàng của Rosatom thu hút sự quan tâm lớn của quan chức chính phủ châu Phi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và lãnh đạo các nước châu Phi tại Hội nghị cấp cao Nga-châu Phi lần thứ nhất ở Sochi.

Trang mạng dailymaverick.co.za mới đây đăng bài phân tích về việc Nga đã đạt được thành công lớn thông qua việc ký kết nhiều thỏa thuận phát triển năng lượng hạt nhân với các nước đối tác châu Phi. Nội dung như sau:

Tập đoàn điện hạt nhân của Nga Rosatom đã ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân với khoảng 18 nước châu Phi, trong bối cảnh Nga đẩy mạnh thương mại hạt nhân tại châu Phi.

Cam kết ngày càng tăng của các nước châu Phi về năng lượng hạt nhân với chi phí vốn cao đã làm dấy lên một số quan ngại về việc liệu những nước này có đang tự trói mình vào các khoản nợ vượt ra ngoài khả năng thanh toán hay không.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi ở Biển Đen, Sochi tuần trước, sau khi ký thỏa thuận hợp tác liên chính phủ trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình với Bộ trưởng Đổi mới sáng tạo và công nghệ Ethiopia Getahun Mekuria Kuma, Tổng Giám đốc Rosatom Alexey Likhachev thông báo số lượng lớn các thỏa thuận hạt nhân đạt được với các nước châu Phi.

Trao đổi với hãng thông tấn Nga Tass, Bộ trưởng Mekuria cho biết, Ethiopia đã có kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân. Rosatom cũng đã ký thỏa thuận với Rwanda về hợp tác xây dựng một trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân ở quốc gia Trung Phi này. 

Rosatom đã thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ tại Diễn đàn kinh tế Nga-châu Phi được tổ chức song song với Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi. Gian hàng của Rosatom thu hút sự quan tâm lớn của quan chức chính phủ các nước châu Phi.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Nga-châu Phi, ông Najat Mokhtar, Phó Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và là Vụ trưởng Vụ Khoa học và ứng dụng hạt nhân thuộc IAEA, nhận định các công nghệ hạt nhân là công cụ rất quan trọng trong phát triển và phác thảo các mục tiêu phát triển bền vững.

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Rwanda Claver Gatete cho biết: “Chúng tôi có một giấc mơ: Trở thành một quốc gia phát triển cao vào năm 2035 và một quốc gia có mức sống cao vào năm 2050. Năng lượng hạt nhân là động lực chính để đạt được các mục tiêu Rwanda đề ra”.

Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Zambia Roland Msiska cũng đã ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Rosatom. Giám đốc Msiska đánh giá: “Zambia rất quan tâm đến những khía cạnh khác nhau của công nghệ hạt nhân, gồm các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, robot và Internet kết nối vạn vật. 

Tất cả điều này là tương lai của chúng ta và là mục tiêu chúng ta cần hướng tới. Những công nghệ này rất quan trọng đối với Zambia, đặc biệt trong lĩnh vực khai khoáng”.

Tổng Giám đốc Likhachev cho biết, Rosatom hiện đã ký biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận liên chính phủ với khoảng một phần ba các quốc gia trên lục địa - khoảng 18 nước. Tuy nhiên, người đứng đầu Rosatom không đưa ra số lượng thỏa thuận cụ thể về hợp tác khoa học, cũng như về sản xuất năng lượng hạt nhân, “bởi hai khía cạnh này thường song hành với nhau”.

Tổng Giám đốc Rosatom khẳng định khoảng một nửa các quốc gia châu Phi đã ký thỏa thuận hạt nhân với công ty Nga này đang tích cực thảo luận về các dự án chung với Rosatom theo như các điều khoản của hợp đồng. Dự án chung giữa Ai Cập và Rosatom để xây dựng nhà máy điện hạt nhân 4.800 MW có công nghệ tiên tiến nhất.

Tổng Giám đốc Lachachev cho biết, rất nhiều quốc gia châu Phi với quy mô dân số hay Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khác nhau đã thể hiện sự quan tâm lớn đến công nghệ hạt nhân dân sự của Rosatom. Theo ông Lachachev, các cuộc thảo luận giữa Tổng thống Putin với các đối tác châu Phi cho thấy các đại biểu tham dự Diễn đàn và Hội nghị thượng đỉnh nhận thức được sự cần thiết phải thúc đẩy sự phát triển công nghệ hạt nhân.

Chẳng hạn, thỏa thuận liên chính phủ giữa Nga và Ethiopia ngày 24/10 đạt được tại cuộc hội đàm giữa Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed trong lĩnh vực sử dụng công nghệ hạt nhân một cách hòa bình bao gồm hai lĩnh vực chính. 

Thứ nhất là thành lập một trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân tại Ethiopia trên cơ sở các công nghệ của Nga. Yếu tố thứ hai liên quan đến việc thỏa thuận về xây dựng một nhà máy điện hạt nhân công suất lớn tại quốc gia Đông Phi này.

Rosatom sẵn sàng đề xuất các giải pháp tiên tiến về công nghệ hạt nhân đối với Ethiopia. Rosatom cũng mời các đối tác Ethiopia đến thăm các cơ sở hạt nhân tại Nga của tập đoàn này. Ngoài các nhà máy điện hạt nhân công suất lớn hơn, Rosatom cũng sẵn sàng cung cấp các lò phản ứng có công suất nhỏ hơn. 

Theo Tổng Giám đốc Likhachev, thỏa thuận mới nhất đạt được với Ethiopia đã mở đường cho việc ký kết hợp đồng thực tế để thực thi hợp tác hạt nhân giữa hai nước.

Đại diện của Rosatom cũng cho biết, Nga và Nigeria đã ký kết thỏa thuận liên chính phủ về khả năng thành lập một trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân, cũng như ứng dụng cho các nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, Nga đã sẵn sàng triển khai hợp tác thực tế với nhiều quốc gia châu Phi, trong đó có Rwanda và Zambia.

Ông Likhachev cho biết, Rosatom đã sẵn sàng đáp ứng nếu các đối đối tác châu Phi đề nghị đẩy nhanh hơn tiến độ hợp tác hạt nhân. Tuy nhiên, việc các nước châu Phi hào hứng đối với hợp tác năng lượng hạt nhân với Nga đã làm dấy lên nhiều quan ngại rằng liệu các nước này có đang tự trói mình vào các cam kết sản xuất điện hạt nhân với chi phí vốn cao vượt ra ngoài khả năng chi trả.

Các nhà phân tích đã lưu ý rằng ngay cả Nam Phi, một trong hai nền kinh tế hàng đầu châu lục, đã phải rút khỏi thỏa thuận đạt được với Rosatom dưới thời cựu Tổng thống Jacob Zuma về cam kết xây dựng nhà máy điện hạt nhân công suất 9.600 MW với chi phí ước tính khoảng 1.000 tỷ USD.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết, sau hội đàm với Tổng thống Nga bên lề Hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Putin đã một lần nữa hỏi người đồng cấp Nam Phi liệu "đất nước cầu vồng" có còn quan tâm đến xây dựng một nhà máy điện hạt nhân hay không và ông Ramaphosa đã tái khẳng định Nam Phi vẫn chưa đủ khả năng tài chính cho dự án này.

Bộ trưởng của một nước châu Phi tham dự Hội nghị thượng đỉnh trên cho hay dù các nhà máy điện hạt nhân có thể là một nguồn tăng trưởng kinh tế quan trọng, nhưng các nước châu Phi đang chìm sâu vào nợ nần và phải cẩn trọng để đảm bảo rằng họ có thể chi trả cho cơ sở hạ tầng sẽ được triển khai.

Tổng Giám đốc Rosatom cho rằng về lâu dài, năng lượng hạt nhân là một nguồn năng lượng tiết kiệm, bởi chi phí đối với nguyên liệu thô đầu vào của điện năng hạt nhân chỉ chiếm từ một đến hai điểm phần trăm, điều này đảm bảo chi phí điện phải chăng trong nhiều thập kỷ sau đó.

Theo ông Likhachev, những công nghệ hạt nhân của Rosatom đảm bảo hiệu quả kinh tế và kim ngạch thương mại cũng được tăng cường với sự phát triển công nghệ này. 1 USD đầu tư vào dự án hạt nhân mang lại tới 2 USD cho các hợp đồng sản xuất tại địa phương và đóng góp tới 2,5 USD vào GDP của đất nước.

Ông Likhachev cũng cho biết, hiệu ứng tích lũy của một quốc gia sở hữu công nghệ hạt nhân là rất lớn, bao gồm hàng ngàn việc làm, nhiều trong số đó thuộc các lĩnh vực có tay nghề cao như máy móc và kỹ thuật điện tử và luyện kim. Tiếp thu công nghệ hạt nhân cũng làm tăng mức độ chăm sóc y tế và có thể được áp dụng cho nông nghiệp.

Khi được hỏi làm thế nào để các quốc gia như Ethiopia và Rwanda có thể đáp ứng được đòi hỏi về tài chính khi mà ngay cả một nước như Nam Phi rõ ràng cảm thấy không thể, một quan chức khác của Rosatom cho biết bước đầu tiên không phải là xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Bước đầu tiên đối với các nước nhỏ chỉ là thiết lập các trung tâm hạt nhân và có lẽ là các lò phản ứng nghiên cứu.

Trả lời câu hỏi tương tự, bà Billene Seyoum - người phát ngôn của Thủ tướng Abiy Ahmed - nói rằng trong thỏa thuận đạt được với Nga, Ethiopia không cam kết về bất kỳ giao dịch mua nào, điều này tạo thuận lợi cho sự hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là trong việc chia sẻ kiến thức kỹ thuật.

Tác giả bài viết cũng đã hỏi ông Olivier Nduhungirehe, Bộ trưởng Rwanda phụ trách Cộng đồng Đông Phi (EAC) về những nội dung thỏa thuận giữa Chính phủ Rwanda với Rosatom và liệu quốc gia Trung Phi này có thể đáp ứng được những đòi hỏi đó hay không.

Bộ trưởng Nduhungirehe cho rằng Rwanda đã ký một thỏa thuận với Rosatom - công ty nhà nước về năng lượng nguyên tử của Nga, để thành lập Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân ở Rwanda. Cũng theo vị Bộ trưởng này, đây là một lĩnh vực khoa học mới đối với Rwanda và quốc gia Trung Phi này sẽ được hưởng lợi từ chuyên môn và kinh nghiệm của Nga trong lĩnh vực đó.

Rwanda có các nguồn năng lượng khác nhau (thủy điện, năng lượng Mặt trời, khí metan, địa nhiệt) và nước này tin rằng năng lượng hạt nhân, được sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau như y học và nông nghiệp, sẽ rất quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, bao gồm khả năng sản xuất điện năng lượng hạt nhân.

Bộ trưởng Nduhungirehe không đề cập cụ thể về chi phí đầu tư, cũng như khả năng chi trả và cho biết các chi tiết của thỏa thuận sẽ được công bố trong thời gian thích hợp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục