“Tặng cần câu hay xâu cá”?

07:45' - 01/11/2021
BNEWS Trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn, việc “hồi sức” cho doanh nghiệp bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu tặng “cần câu” sắc bén thay vì cho “xâu cá”!

Với 4 đợt dịch COVID-19 bùng phát trong gần 2 năm vừa qua, hoạt động sản xuất kinh doanh nghiệp bị đình đốn, sức chống chịu của các doanh nghiệp Việt Nam; trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã ngày càng cạn kiệt và tới hạn.

Dịch COVID-19 đang dần bị đẩy lùi nhờ nỗ lực của Chính phủ, các địa phương và toàn xã hội. Để thích ứng với dịch bệnh, phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất, hàng loạt chính sách mà gần đây là Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được ban hành bù đắp những tổn thất, đổ vỡ và đứt gãy trước tác động của dịch bệnh.

Thông tấn xã Việt Nam thực hiện loạt 4 bài viết với chủ đề “Hồi sức cho doanh nghiệp” ghi nhận những nỗ lực từ Chính phủ, bộ ngành và chuyển động từ doanh nghiệp cũng như những vấn đề nảy sinh từ thực tế để chuẩn bị sản xuất trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Bài 1: “Tặng cần câu hay xâu cá”?

Hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất mà gần đây là Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đang được kỳ vọng sẽ là giải pháp mạnh để tháo gỡ những rào cản trong giai đoạn khôi phục sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn, việc “hồi sức” cho doanh nghiệp bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu tặng “cần câu” sắc bén thay vì cho “xâu cá”!

Doanh nghiệp cạn kiệt và tới hạn

Là doanh nghiệp có nhà máy sản xuất đóng tại huyện Nam Sách, Hải Dương-địa phương đã trải qua giãn cách xã hội kéo dài do dịch COVID-19 bùng phát phức tạp, Công ty cổ phần gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương) hiện đang trong tình trạng rất khó khăn.

Bà Vũ Lê Hoa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương) cho biết, việc “bế quan toả cảng” kéo dài đã khiến đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, mất thị trường tiêu thụ sản phẩm và dẫn tới doanh số sụt giảm, chỉ còn khoảng 15% so với trước đại dịch.

Trong khi đó, nợ ngân hàng vẫn phải trả đúng hạn, các khoản chi lại phát sinh cho test COVID-19 phục vụ sản xuất 3 tại chỗ, trả lương người lao động làm việc 3 tại chỗ cao hơn… Điều này đã khiến doanh nghiệp bị gãy đổ dòng tiền, sản xuất bị thu hẹp tối đa, không có tiền trả lương công nhân nên khoảng 600/700 lao động phải nghỉ việc.

Công ty không còn cách nào khác phải bán rẻ tài sản là đất đai nhà xưởng tích luỹ từ nhiều năm để trang trải cho các khoản nợ, trả lương công nhân và các chi phí nhưng đến nay công ty không còn vốn để sản xuất kinh doanh, bà Hoa chia sẻ.

Còn theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, “thu giảm mạnh – chi vẫn tăng đang bào mòn nguồn lực tài chính được tích lũy nhiều năm của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Nhiều doanh nghiệp trong ngành càng sản xuất càng lỗ, đã buộc phải đóng cửa tạm thời hoặc đứng trước nguy cơ phá sản.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cũng chỉ rõ, những quyết định “chưa có tiền lệ” của một số địa phương dẫn tới can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp như kiểm soát lưu thông hàng hóa, yêu cầu xét nghiệm liên tục, thiếu nhất quán như thời gian qua đã không những làm đội chi phí rất lớn, ảnh hưởng lớn đến “sức khỏe” của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới tâm lý người lao động.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Bất cập trong thực thi chính sách

Để vượt qua các thách thức này, Chính phủ và các bộ, ngành đã khẩn trương ban hành nhiều chính sách kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn vẫn tồn tại khoảng cách khá lớn.

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty AZA travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết, chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp được công bố triển khai nhưng trên thực tế các doanh nghiệp du lịch không được vay vốn theo chính sách này, kể cả có tài sản thế chấp.

Một bất cập khác là chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp dường như không mang lại lợi ích cho đối tượng thụ hưởng khi hầu hết các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ phải đóng cửa, không có doanh thu trong gần 2 năm qua và có nguy cơ phá sản, ông Đạt nhấn mạnh.

Cũng gặp khó khăn tương tự, bà Vũ Lê Hoa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương) chia sẻ, mặc dù Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn và giãn nợ nhưng trên thực tế công ty chưa hề tiếp cận được.

Do đại dịch COVID-19 kéo dài từ năm 2020 đến nay nên Công ty gần như không có doanh thu và lợi nhuận cũng như nhiều khoản lãi vay đến hạn ở ngân hàng thương mại bị nhảy nhóm nợ và phát sinh nợ xấu đối với một số khoản.

Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19, Công ty không đáp ứng được các điều kiện để vay được gói tín dụng ưu đãi 0% lãi suất trong thời hạn dưới 12 tháng để trả lương ngừng việc cho người lao động là không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng ở thời điểm đề nghị vay vốn.

Đồng tình với những đánh giá của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, tỷ lệ thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp còn rất hạn chế, nhiều chính sách ban hành ngắn hạn, chưa tương xứng với tình trạng và khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Ví dụ rõ nét là chính sách về thuế hỗ trợ doanh nghiệp mới chỉ dừng ở mức hoãn, giãn thời gian nộp chứ chưa giảm.

Ngày 11/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Nghị quyết này được cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp du lịch kỳ vọng sẽ là giải pháp mạnh để tháo gỡ những rào cản trong giai đoạn khôi phục sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là các địa phương triển khai đồng bộ theo tinh thần Nghị quyết 128. Với ngành du lịch, bản chất là liên quan tới di chuyển và đi lại nên nếu các địa phương không tuân thủ Nghị quyết này nghiêm túc, không mở cửa thì ngành du lịch không thể khởi sắc, không có doanh thu để phục hồi, ông Đạt chỉ rõ.

“Đã mở thì phải thống nhất và đồng bộ, chứ Trung ương và tỉnh thành thì chỉ đạo như vậy nhưng dưới xã, dưới huyện cứ đòi hỏi điều kiện là xét nghiệm COVID-19 thì Nghị quyết sẽ khó giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh”, bà Vũ Lê Hoa chỉ rõ.

Chính phủ tiếp sức, doanh nghiệp tự thích ứng

Trong khi đa phần các doanh nghiệp du lịch đều trong tình trạng “đóng băng” hoạt động, nhân sự nghỉ việc gần hết và không có doanh thu vì dịch COVID-19, Công ty AZA travel đã có “cú lội ngược dòng” ngoạn mục để tồn tại.

Chia sẻ về chiến lược này, Giám đốc Nguyễn Tiến Đạt cho biết, ngay khi dịch bệnh xảy ra, ban lãnh đạo Công ty đã ngay lập tức có phương án chuyển sang kinh doanh dòng bia handmade cao cấp và sản xuất mặt nạ phòng COVID-19. Công ty đã áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động để không chỉ giúp giảm bớt nhân sự trong các khâu, tăng tính hiệu quả mà còn giúp tiếp cận tốt hơn với khách hàng với chi phí rẻ hơn so với cách làm truyền thống.

Theo đó, Công ty đã áp dụng triệt để hình thức kinh doanh trực tuyến trong các khâu quảng bá, bán hàng, đặt hàng cũng như áp dụng các phần mềm trong quản trị điều hành để đảm bảo duy trì hoạt động của Công ty hiệu quả nhất trong bối cảnh giãn cách vì dịch bệnh.

Với chiến lược linh hoạt chuyển đổi, tự thích ứng với điều kiện, môi trường hoàn toàn mới này, Công ty đã có doanh thu để “lấy ngắn nuôi dài”, chờ ngày du lịch “tan băng” là có thể hoạt động ngay trở lại với đội ngũ nhân sự được duy trì, giữ được mảng kinh doanh du lịch đã có từ nhiều năm.

Tuy nhiên để các nỗ lực của doanh nghiệp mang lại hiệu quả, mong muốn của các doanh nghiệp lúc này là Chính phủ có những cơ chế chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho khôi phục sản xuất kinh doanh, khôi phục thị trường, thuận lợi trong giao thương và di chuyển. Đây mới thực sự là “cần câu” quan trọng để doanh nghiệp tự đứng dậy thay vì cho “xâu cá” như thời gian vừa qua, ông Nguyễn Tiến Đạt khẳng định.

Cùng với nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ cần tiếp sức cho doanh nghiệp bằng các chính sách hỗ trợ phù hợp để có thể phục hồi.

Bà Nguyễn Minh Thảo (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đề xuất Chính phủ cần hướng dẫn thống nhất về các phương án kiểm soát dịch bệnh, phương án di chuyển đối với người dân giữa các địa phương với các tiêu chí dễ hiểu, dễ thực hiện; tránh tình trạng mỗi địa phương hiểu và ban hành quy định theo một cách khác nhau…

Đồng thời, Chính phủ nên yêu cầu các địa phương khi quyết định phương án phòng dịch phải thông tin và tham vấn doanh nghiệp để bảo đảm thực hiện mục tiêu chống dịch nhưng không làm đứt gãy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đề xuất, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn, không có khả năng tồn tại và thiếu dự án khả thi. Nếu cho vay, các ngân hàng sẽ gặp rủi ro nên doanh nghiệp rất khó vay được vốn. Do vậy, cần có những quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và được vận hành hiệu quả.

Gợi ý giải pháp tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp phục hồi sau sản xuất, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng Chính phủ có thể xem xét phát hành trái phiếu, vay của ngân hàng trung ương như các nước đang làm chứ không chỉ dùng chính sách tiền tệ.

Từ thực tiễn trong thực thi chính sách, nhiều doanh nghiệp mong muốn được cơ quan nhà nước đặt vào vai trò đồng hành, cùng tham gia vào quản lý an toàn trong dịch bệnh, là chủ thể chính của sự phục hồi kinh tế thay vì chỉ ở trong vai nhận sự hỗ trợ bị động như hiện nay.

Vì vậy, khi xây dựng chính sách, phần tham vấn doanh nghiệp cần chiếm tỷ trọng cao hơn để chính sách sát với thực tiễn, dễ thực thi, bà Phạm Thị Ngọc Thủy thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đề xuất./.

>>>Bài 2: Nỗ lực từ nhiều phía

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục