Ma trận sang nhượng

08:19' - 26/01/2022
BNEWS Dù đã có kết luận thanh tranh nhưng huyện Sóc Sơn (Hà Nội) lại rất chậm trễ trong việc điều chỉnh sổ đỏ cho người dân.

Mấy năm trở lại đây, thị trường đất đai ở Sóc Sơn khá sôi động do địa phương này được quy hoạch là đô thị vệ tinh của thành phố Hà Nội, lại có lợi thế cảnh quan thiên nhiên đẹp với đồi rừng, hồ nước nên nhiều nhà đầu tư đã “xuống” tiền mua đất ở đây.

Hình thức mua bán đa dạng, từ giấy viết tay đến sang nhượng sổ đỏ qua Văn phòng công chứng. Tuy nhiên từ khi sổ đỏ vượt hạn mức được phát hiện và thu hồi, dừng giao dịch cũng là lúc “cò sổ đỏ" xuất hiện với các chiêu trò.

Anh Nguyễn Ngọc Hòa ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) mua 700m2 đất sổ đỏ, trong đó, có 400m2 đất ở, tại xã Phú Cường (Sóc Sơn) từ nhiều năm nay. Ba tháng trước đây, trong cơn “sốt” đất anh quyết định bán lại cho người khác với giá gần 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc bán mua không thành do người mua phát hiện sổ đỏ vượt hạn mức (xã đồng bằng như Phú Cường hạn mức tối đa chỉ 300m2 đất ở - pv) nên rút tiền đặt “cọc”. Cầm các loại giấy tờ đi hỏi nhiều nơi anh Hòa đều nhận được câu trả lời khác nhau với nhiều thủ tục rối rắm.

Anh Hòa than thở, trước khi mua, anh đã tìm hiểu kỹ về tính pháp lý của thửa đất. Thấy sổ đỏ do UBND huyện Sóc Sơn cấp nên anh mới mua. Để yên tâm hơn, anh qua văn phòng công chứng chứng thực hợp đồng mua bán. Không ngờ hiện nay cơ sự ra thế này, đất là tài sản mà anh không thể bán được.

Gia đình ông N.V.T ở thôn Lai Sơn (Bắc Sơn) đang định chuyển nhượng một phần mảnh đất của mình cho người thân nhưng đầu tháng 12/2020 ông nhận được quyết định của UBND huyện Sóc Sơn về việc thu hồi sổ đỏ hơn 1.200m2 được cấp từ năm 2012. Lý do được UBND huyện đưa ra là sổ đỏ đã cấp vượt hạn mức đất ở. Ngay sau đó, gia đình ông T phải dừng tất cả các quyền của người sử dụng đất.

Theo tìm hiểu, từ tháng 5/2019, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh Sóc Sơn đã ra thông báo dừng giao dịch đối với khoảng 20 hồ sơ. Chính vì vậy, hiện nay, tại Sóc Sơn có hàng trăm người đang "mắc kẹt" như anh Hòa, không thể giao dịch một cách chính thống.

Công chức địa chính xã Minh Phú Đinh Xuân Hải cho hay, xã đang thực hiện theo văn bản của cấp trên giao là rà soát, thống kê có bao nhiêu trường hợp muốn điều chỉnh, điều chỉnh như thế nào… sau đó báo cáo UBND huyện.

Bà Đàm Thị Hiền, công chức địa chính xã Hồng Kỳ thông tin, với những hộ có sổ đỏ chưa đăng ký biến động (chưa sang nhượng, cho tặng, chia tách - pv) còn có thể “gỡ” được. Những mảnh đất đã mua bán sang tay nhiều lần sẽ rất khó khăn trong việc tìm ra hộ đứng tên để thu thập hồ sơ giải quyết “hạ” sổ và các quyền lợi liên quan.

Thực tế, thị trường đất đai ở Sóc Sơn sôi động nên nhiều nhà đầu tư ở nội đô Hà Nội đã tìm về đây mua đất kiếm lời. Nhiều người đã “rơi” tiền trước khi tìm hiểu về pháp lý của mảnh đất đã mua. Đến khi muốn giao dịch, sang tên đổi chủ, mọi người vỡ lẽ là sổ đỏ đã bị “vô hiệu”, thuộc diện thu hồi. Nhiều hộ có sổ đỏ vượt hạn mức đã tìm đến “cò” để trút bầu tâm sự./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục