Hợp tác tại Mỹ Latinh thời COVID-19: Câu chuyện chưa có khởi đầu

06:22' - 15/06/2020
BNEWS Theo Giáo sư Cristian Fuentes tại trường Đại học Central de Chile, dịch COVID-19 làm sâu sắc thêm một vấn đề đã tồn tại từ lâu tại Mỹ Latinh, đó là sự thiếu hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil. Ảnh: THX/ TTXVN 

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho thấy những thiếu sót trong hợp tác giữa các quốc gia Mỹ Latinh và phơi bày những điểm yếu về cơ chế hội nhập tại khu vực này. Các nhà phân tích cho rằng nếu không có sự hợp tác, các nước Mỹ Latinh sẽ không thể tự bảo vệ mình trước áp lực bên ngoài. 

Theo Giáo sư Cristian Fuentes tại trường Đại học Central de Chile, dịch COVID-19 làm sâu sắc thêm một vấn đề đã tồn tại từ lâu tại Mỹ Latinh, đó là sự thiếu hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực. 

Ông Fuentes, người từng giữ chức Giám đốc điều phối khu vực tại Bộ Ngoại giao Chile, cho biết có một cuộc khủng hoảng rất gay gắt về chủ nghĩa khu vực Mỹ Latinh. Trên thực tế, Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) đã không còn tồn tại nữa. 

Các trường hợp khác như Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) đang ở trong tình trạng “mong manh dễ vỡ”. Trong khi đó, không có bất kỳ kết nối quan trọng nào giữa Liên minh Thái Bình Dương (gồm Mexico, Chile, Colombia và Peru) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR - bao gồm Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay). Chính vì vậy, không có đủ không gian cho hợp tác khu vực. 

Giáo sư Fuentes cho rằng lẽ ra các nước trong khu vực cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc đóng cửa biên giới và triển khai các hợp tác về y tế nhằm chống dịch COVID-19. Ông chia sẻ: "Ví dụ, Brazil, Argentina và Mexico có thể hợp tác sản xuất máy thở. Hay các nước trong khu vực tạo quỹ chung và cùng nhau đàm phán với phần còn lại của thế giới để mua vật tư y tế. Nhưng tiếc là chúng tôi đã không làm như vậy". 

Trong khi đó, Giáo sư Lester Cabrera từ Viện Khoa học Xã hội Mỹ Latinh (FLACSO) ở Ecuador lại nhận xét các nước Mỹ Latinh đã mất quá nhiều thời gian mà không thiết lập được các biện pháp chung đối phó với COVID-19 do thiếu vắng một cơ chế hợp tác thích hợp tại khu vực.

UNASUR, vốn được tạo ra để điều phối các chính sách tại Nam Mỹ, thực tế đã không còn hoạt động. Diễn đàn vì Sự Tiến bộ và Phát triển của Nam Mỹ (PROSUR) có thể hữu ích khi mà các nhà lãnh đạo đã có những cuộc hội đàm về một số vấn đề nhất định. Tuy nhiên, không có tiêu chuẩn chung nào được thiết lập. 

Chính phủ các nước ưu tiên các giải pháp đối phó với đại dịch COVID-19 mang tính quốc gia thay vì tăng cường hợp tác khu vực. Ông Cabrera cho rằng các nước Mỹ Latinh đang trải qua thời kỳ toàn cầu hóa suy yếu ở một số phương diện. 

Ngoài ra, dịch COVID-19 xảy ra vào thời điểm nhiều nước Mỹ Latinh gặp phải nhiều vấn đề "nghiêm trọng" về kinh tế và tài chính. Ông Cabrera nói: "Đại dịch khiến các quốc gia lo lắng cho chính mình và những gì sẽ xảy ra ở phía bên kia biên giới không khiến họ bận tâm. Ngoài ra, tình hình tài chính của các chính phủ không quá khả quan để có thể hợp tác và cung cấp vật tư cho các quốc gia khác". 

Theo Giáo sư Fuentes, không có bất kỳ hợp tác nào trong khi triển vọng phát triển không mấy sáng sủa, khu vực Mỹ Latinh sẽ phải đối mặt với sự suy giảm kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1900 trong những tháng tới, với tăng trưởng kinh tế khu vực ở mức -5,3% trong năm 2020, theo dự báo từ Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL). Cùng với đó là gần 30 triệu người ở Mỹ Latinh sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói và 37,7 triệu người thất nghiệp sau đại dịch COVID-19./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục