Về “làn sóng” Mỹ Latinh gia nhập OECD

06:36' - 14/06/2020
BNEWS Mạng tin AméricaEconomía cho rằng Costa Rica đã nhận được lời mời chính thức gia nhập OECD sau khi vượt qua các đánh giá về kỹ thuật và chuẩn bị trở thành thành viên thứ 38 của tổ chức này.
Tổng thư ký OECD Ángel Gurría. Ảnh: Reuters

Costa Rica sẽ là nước Trung Mỹ đầu tiên và quốc gia Mỹ Latinh thứ tư gia nhập “câu lạc bộ nhà giàu” này, sau Mexico (1994), Chile (2010) và Colombia, nước trở thành thành viên chính thức thứ 37 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hồi tháng 4/2020.

Với Costa Rica, các cuộc đàm phán gia nhập bắt đầu từ ngày 9/4/2015, thời điểm lộ trình gia nhập được vạch ra. Các bước tiếp theo bao gồm việc ký và thông qua nghị định thư gia nhập, việc giải trình luật trước OECD và thanh toán phí gia nhập. 

Mặc dù dự kiến hoàn tất tiến trình này vào năm nay, nhưng xét tới các trường hợp tiền lệ như Colombia (nước mất 7 năm để hoàn thành quá trình gia nhập), tiến trình kết nạp Costa Rica vào OECD có thể kết thúc vào năm 2021.

Xu hướng này cho thấy dần dần các nước Mỹ Latinh đang gia nhập nhóm nước nắm giữ tới 80% GDP của thế giới và góp phần khép dần khoảng cách giữa các nước phát triển và các nước mới nổi.

* Một OECD Mỹ Latinh hơn.

Khi được thành lập vào năm 1961, trong số 20 thành viên sáng lập OECD không có quốc gia Mỹ Latinh nào và giờ đây trong số 38 thành viên (tính cả Costa Rica), đã có 4 quốc gia thuộc khu vực này. Sự tăng trưởng này phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của Mỹ Latinh trong nền kinh tế thế giới, quan hệ ngoại thương và hoạt động thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bên cạnh bốn thành viên trên, hiện Argentina, Brazil và Peru cũng đang được Hội đồng OECD cân nhắc như thành viên tiềm năng. Tất cả các quốc gia này, cũng như Cộng hòa Dominica, Ecuador, El Salvador, Guatemala, Panama, Paraguay và Uruguay, đều tham gia Trung tâm Phát triển của OECD.

Sự đóng góp của Mỹ Latinh vào nền kinh tế quốc tế đang dần trở nên then chốt và tầm quan trọng của khu vực này trong trật tự toàn cầu cũng đang nổi lên. Tổng thư ký OECD Ángel Gurría nhận định “việc chào mừng Costa Rica vào OECD là sự kiện nổi bật trong thời điểm mà chủ nghĩa đa phương đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.  

Cách tốt nhất để đối diện những thách thức toàn cầu hiện tại là các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển và tiên tiến sát cánh cùng nhau trong việc tìm kiếm giải pháp”.

Đóng góp của Mỹ Latinh vào OECD cũng có thể có ý nghĩa trên một số khía cạnh. Tổng thống Costa Rica Carlos Alvarado từng cam kết tại trụ sở OECD vào năm 2018 rằng sẽ không chỉ cải thiện các chính sách công của đất nước, mà còn gia tăng thêm giá trị của tiến trình này.

* Được và mất

Một trong những câu hỏi lớn là liệu việc gia nhập OECD có thật sự mang lại tác động tích cực cho các quốc gia này hay chỉ đơn thuần là một công cụ để đàm phán và chuẩn hóa quốc tế.

Các nước này cần cho thấy sự “sẵn sàng” tuân thủ một loạt yêu cầu, mà trong tiến trình triển khai có thể tạo ra sức ép đối với nhiều cam kết quan trọng. Các nước cũng cần bảo đảm hệ thống bảo vệ nhân quyền, chứng minh tính dân chủ của xã hội (phân chia quyền lực, đa đảng, giới hạn chu kỳ cầm quyền) và đáp ứng hàng trăm tiêu chí về một nền kinh tế “mở, minh bạch và thị trường tự do”.

Một cuộc kiểm tra kỹ thuật sẽ đánh giá các chính sách và hành động của quốc gia ứng viên và khả năng của quốc gia đó trong việc triển khai những quy định của OECD.

Trong trường hợp của Costa Rica, việc triển khai các yêu cầu này đồng nghĩa với việc cải thiện chất lượng của nền giáo dục công (số hóa và áp dụng hệ thống bài kiểm tra tiêu chuẩn PISA), của hoạt động cạnh tranh và hệ thống tư pháp tài chính, cũng như cải cách hệ thống thống kê quốc gia.

Một trong những điểm cần lưu ý với các nước Mỹ Latinh muốn gia nhập OECD là sự hỗ trợ của Mỹ trong các đợt kiểm tra kỹ thuật này mang tính quyết định, vì Washington là một thành viên rất có ảnh hưởng (đóng góp 20,5% ngân sách hoạt động của OECD) và có quyền lợi trực tiếp tại khu vực này.

Đây từng là yếu tố gây ra một số rào cản trên con đường gia nhập của Colombia và không phải vô cớ mà tới nay, 4 nước thành viên Mỹ Latinh của OECD (kể cả Costa Rica) đều là những đồng minh lâu năm của Mỹ tại khu vực.

Việc tuân thủ những quy định này được cho là củng cố vị thế của Mỹ Latinh trong cộng đồng quốc tế. Jorge Sequeira, Tổng Giám đốc Cơ quan Khuyến khích đầu tư Costa Rica (CINDE) nhận xét việc đó mang lại uy tín lớn cho đất nước vì đây là dấu hiệu rằng các nước này đáp ứng mọi yêu cầu tương tự như đối với một nước phát triển. 

Nhờ đó, Costa Rica trở thành một nền kinh tế hiệu quả và cạnh tranh hơn, mở ra khả năng tăng luồng vốn đầu tư nước ngoài và sự tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường hàng hóa và dịch vụ thế giới.

Cuối cùng, OECD khuyến khích việc trao đổi quan điểm và khuyến cáo giữa các thành viên của mình, điều có thể trở thành điểm tựa cho các nước Mỹ Latinh trong việc hoạch định cải cách, cho dù xuất phát từ những vấn đề của riêng mình, nhưng luôn ý thức về những chuẩn mực mà tổ chức này đề ra. 

Một số lĩnh vực điển hình có thể xét tới theo góc độ này là mô hình phát triển bình đẳng (các thành viên Mỹ Latinh là các nước có chỉ số Gini - về mức độ bất bình đẳng về kinh tế - cao nhất OECD), hệ thống tư pháp, quản trị doanh nghiệp, cấu trúc thuế, nền giáo dục, năng suất lao động hay quản lý rác thải. 

Vấn đề bất lợi có thể nảy sinh khi những “thực hành tốt” được OECD khuyến cáo không thực sự thích hợp với hoàn cảnh của mỗi nước vào mỗi thời điểm, do đó việc phân tích từ góc độ quốc gia vẫn luôn là điểm thiết yếu nhất để các nước không “nhắm mắt” hoạch định chiến lược dựa theo lập trường, logic và tiêu chí của các nước khác.

OECD có thể là một hình mẫu về hợp tác quốc tế trong thời điểm thế giới đa cực đang lâm vào khủng hoảng, mà những nước Mỹ Latinh và cả phần còn lại của thế giới đều có thể thu được lợi ích từ tình thế đó tùy theo chiến lược phát triển của mình. 

Nếu đúng tổ chức này là một công cụ hữu ích cho cải cách chính trị, kinh tế và xã hội, thì tự thân việc gia nhập và trở thành thành viên không đồng nghĩa với một lực đẩy phát triển kinh tế, vì tốc độ và hiệu quả của việc triển khai, áp dụng những tư vấn của OECD phụ thuộc chủ yếu vào hiện trạng và năng lực riêng của mỗi quốc gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục