Hướng đi nào cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thời COVID-19?

21:24' - 27/08/2021
BNEWS Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn vì đứt gãy chuỗi cung ứng, tốn nhiều chi phí để thực hiện vừa sản xuất, vừa chống dịch.

Tối 27/8, Công ty CP Đào tạo và Phát triển Nhân lực DGroup đã cùng với CLB Doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội (Hanoisme), cộng đồng doanh nhân Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm online “Chiến lược và hướng đi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thời COVID-19”, với sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp, doanh nhân.
*Hàng trăm nghìn doanh nghiệp có thể phá sản
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 diễn ra trong năm 2021, nhiều tỉnh thành phía Nam nằm trong diện kiểm soát chặt chẽ về phòng chống dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn vì đứt gãy chuỗi cung ứng, tốn nhiều chi phí để thực hiện vừa sản xuất, vừa chống dịch.

Phát biểu tại Tọa đàm, CEO Lê Dung - Ủy viên BCH Hanoisme, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã và đang ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, trong đó cộng động doanh nghiệp, doanh nhân gặp rất nhiều khó khăn.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm có tới gần 80.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 25,5% so cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý hơn là nhiều doanh nghiệp lớn cũng gặp khó khăn và dần rút khỏi thị trường.

Trong đó, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có quy mô vốn từ 20 - 50 tỷ đồng, tăng 45,3%; quy mô vốn 50 - 100 tỷ đồng, tăng 23,4; quy mô vốn trên 100 tỷ đồng tăng 32,3%.

Hiện nay, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như: thiếu dòng tiền, chi phí đầu vào, chi phí vẩn chuyển tăng, lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng, khó tiếp cận vốn vay…

Bà Lê Dung mong rằng, những chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia sẽ là bài học hữu ích để các doanh nghiệp có thể áp dụng, vượt qua khó khăn, cùng nhau xâu dựng cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của COVID-19, trong 7 tháng năm 2021, gần 80.000 doanh nghiệp đã phải rời bỏ thị trường. Từ nay đến hết năm, nếu Việt Nam có thể kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi kinh tế, số lượng doanh nghiệp phá sản cũng ở mức 100.000.

Hiện mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp phá sản. Trường hợp nếu không kiểm soát được dịch bệnh, sẽ có khoảng 150.000 doanh nghiệp phá sản trong năm nay.
Theo ông Hiếu, nguyên nhân chính là doanh nghiệp bị mất tính thanh khoản, khả năng chi trả. “Một doanh nghiệp mất thanh khoản cũng sẽ kéo theo các đối tác của họ không thu xếp được dòng tiền và mất thanh khoản theo sau đó", ông Hiếu nói. 
Ngoài ra với hàng tồn kho, ông Hiếu cho hay, giao thông bị ngăn trở, sức cầu kinh tế thấp trong khi nguồn cung có sẵn, như nông sản tràn trề ở Đồng bằng sông Cửu Long, mùa lúa này rất tốt nhưng ngay cả xuất khẩu cũng gặp khó, khiến doanh nghiệp có hàng hóa cũng không thể có dòng tiền. Đó là bức tranh ảm đạm hiện tại.
Cũng theo chia sẻ của bà Vũ Thị Thuận, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Traphaco, khó khăn tựu chung nhất của doanh nghiệp chính là sức mua của người dân giảm nhiều do thực hiện giãn cách, đi lại khó khăn, người dân chỉ sử dụng những dịch vụ, sản phẩm thiết yếu.

Bên cạnh đó, với doanh nghiệp, chi phí sản xuất, phân phối là rất lớn, như: sản xuất 3 tại chỗ, xét nghiệm cho lái xe, người lao động... Chi phí tăng trong khi doanh thu giảm, để lo cho người lao động là rất khó khăn.
*Chiến lược để phục hồi

Những khó khăn về COVID-19 đã được các doanh nghiệp và chuyên gia nhìn nhận, đánh giá. Để vượt khó dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp buộc phải đối mặt với nó.

Bà Vũ Thị Thuận cho hay, doanh nghiệp luôn trên tinh thần tích cực chống dịch để duy trì sản xuất, mọi mặt đều không lơ là. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ số, doanh nghiệp phải áp dụng nhanh, biến khó khăn thành thách thức để vượt qua, chuyển đổi hình thức làm việc, quản trị.
“Bản thân doanh nghiệp phải xem lại toàn bộ quy trình làm việc, các bộ phận của mình. Hiện là cơ hội để doanh nghiệp cải tiến, có những sáng kiến để hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn, tăng năng suất lao động; cắt giảm chi phí không cần thiết để ứng dụng cho công nghệ”, bà Thuận nói.
Cũng theo ông Nguyễn Trí Hiếu, để ứng phó sau khi dịch bệnh phục hồi, với doanh nghiệp, chúng ta nên có một kế hoạch về chiến lược phát triển, kế hoạch tài chính dưới những giả định về dịch bệnh khác nhau, ngay từ bây giờ.
“Chúng ta không thể ngồi yên chịu trận trước tác động của dịch bệnh. Vậy kế hoạch về bán hàng ra sao, cách tiếp cận thế nào. Như bất động sản có thể tạo một kênh giới thiệu, bán hàng ảo, dẫn khách hàng đi xem qua công nghệ…”.
Các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp đều được các chuyên gia kiến nghị sớm thực hiện, để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hanoisme cho biết, cần tiếp tục miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp; tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận tài chính để phục vụ kinh doanh; cho phép giãn nợ năm 2021-2022.
Đặc biệt, có thể hỗ trợ doanh nghiệp các chi phí chống dịch như xét nghiệm, phun khử khuẩn; sớm triển khai tiêm vaccine cho người lao động, nhất là các doanh nghiệp triển khai vận chuyển, sản xuất bán hàng trực tiếp cho người lao động.
“Các chính sách phải dài hơi hơn, các chính sách về giãn hoãn, tạo thị trường cần sớm thực hiện mới tạo sự liên kết mạnh mẽ trong chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vực dậy”, ông Mạc Quốc Anh nói.
Hiện nay, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, điều này khiến hoạt động giao thương hàng hóa bị ách tắc. Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, các giải pháp về thuế, tài chính, thủ tục hành chính chỉ là giải pháp căn cơ, còn giải pháp trước mắt cho thể thực hiện phải là làm sao để doanh nghiệp lưu thông hàng hóa. Nhiều đối tác nước ngoài đã dừng giao thương với Việt Nam vì những lý do dịch bệnh. Hàng hóa ứ đọng, sản xuất đình trệ, nên doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ.
“Chỗ nào đã khoanh vùng, tạo được vùng xanh, thì nhà nước có thể cân nhắc cho giao thương bình thường để hàng hóa được lưu thông. Với doanh nghiệp, khó khăn nhất là không bán được hàng. Sản xuất ra hàng hóa mà không lưu thông được thì doanh nghiệp không có dòng tiền, tài chính không thông suốt”, ông Mạc Quốc Anh đề xuất.

Kết thúc Tọa đàm, CEO Lê Dung cho rằng, với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đang phải tìm hướng đi phù hợp, thích hợp nhất với doanh nghiệp của mình để giúp doanh nghiệp duy trì và phát triển. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, do đó, các doanh nghiệp cần liên kết lại với nhau, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cùng nhau vượt qua đại dịch.

“Việc các doanh nghiệp gắn kết lại thành một cộng đồng sẽ giúp các doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau để cùng vượt qua đại dịch. Đồng thời, thông qua Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp có thể gửi các kiến nghị, đề xuất đến Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương để được giải đáp, tháo gỡ khó khăn” CEO Lê Dung nhấn mạnh.

Rõ ràng, COVID-19 đang siết chặt hơn ngưỡng chịu đựng của người dân, doanh nghiệp về hàng hóa, về dòng tiền. Các chuyên gia cho rằng, để vượt qua khủng hoảng, ngoài các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, việc xây dựng lại nội lực bằng ứng dụng công nghệ, cắt giảm chi phí và thay đổi chiến lược để phục hồi của doanh nghiệp cũng là điều hết sức cần thiết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục