Hướng giải quyết vấn đề then chốt của Trung Quốc khi tăng trưởng kinh tế suy giảm

05:30' - 18/12/2019
BNEWS Dư luận thế giới dường như đã đạt được nhận thức chung về khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong năm 2020, khi tốc độ tăng trưởng tiếp tục đi xuống.
Cảng hàng hóa Khâm Châu, Khu tự trị Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, cho dù là “muốn tăng trưởng trên 6%” hay phải “bảo vệ mốc tăng trưởng 5%”, ổn định việc làm mới là vấn đề then chốt nhất mà Bắc Kinh cần giải quyết.

Hiện nay, dư luận dường như đã đạt được nhận thức chung về khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong năm 2020, khi tăng trưởng tiếp tục đi xuống. 

Bất đồng chỉ là trong bối cảnh Trung Quốc xác định “ổn định tăng trưởng kinh tế” là một trong những nhiệm vụ chủ yếu, thì tốc độ tăng trưởng sẽ là “mong muốn đạt tăng trưởng trên 6%” hay “bảo vệ mốc tăng trưởng 5%”.

Thậm chí, chuyên gia kinh tế trưởng Cao Thiện Văn của Công ty chứng khoán Essence dự đoán năm 2020 có thể là khởi điểm của những khó khăn trong tương lai của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mười năm tới, kinh tế Trung Quốc sẽ bước vào kỷ nguyên “bảo vệ mốc tăng trưởng 4%, cố gắng đạt mức 5%”.

Theo tờ Economic Journal, dự đoán chấn động giới kinh tế này đã bị ngăn chặn và gỡ bỏ, nhưng sau đó tranh cãi vẫn tiếp tục, nhất là khi chuyên gia Dư Vĩnh Định thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đề xuất “bảo vệ mốc tăng trưởng 6%”, không để kinh tế tiếp tục đi xuống. 

Để làm được điều đó, theo Dư Vĩnh Định, Trung Quốc cần thực hiện hai chính sách tích cực là tài chính tích cực và tiền tệ tích cực. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế đã bày tỏ sự hoài nghi đối với “Thuyết bảo vệ tăng trưởng ở mức 6%” của Dư Vĩnh Định.

Chuyên gia kinh tế trưởng Thẩm Kiến Quang thuộc Tập đoàn JDD chỉ rõ năm 2020 không nên coi “bảo vệ tăng trưởng ở mốc 6%” là mục tiêu.

Thứ nhất, Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp kích thích, nhưng không mang lại hiệu quả cao. 

Thứ hai, môi trường bên ngoài vẫn tồn tại những nhân tố không xác định tương đối lớn.

Thứ ba, các biện pháp kích thích mạnh mẽ trước đây để lại nhiều di chứng. Cho nên, nếu lại thực hiện các biện pháp kích thích để bảo vệ tăng trưởng ở mốc 6% có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới việc hoàn thành mục tiêu chính sách khác, bao gồm phòng chống rủi ro, cuối cùng cái được không bù nổi cái mất.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Thu chi quốc tế thuộc Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc Quản Đào cũng cho rằng ổn định tăng trưởng không đồng nghĩa với việc phải duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức 6%. Bởi 6% chỉ là mốc tâm lý mà con người tạo ra. 

Trước tháng 8/2019, mỗi khi tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) áp sát mốc 7 NDT đổi 1 USD, ở Trung Quốc lại nổ ra tranh luận gay gắt xem cần phải bảo vệ hay cho phép phá vỡ mốc 7 NDT đổi 1 USD. Cuối cùng thực tế đã chứng minh 7 NDT đổi 1 USD chỉ là mốc tâm lý, và mốc này đã bị phá vỡ.

Gần đây nhất, cựu Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc Lưu Thế Cẩm cũng lên tiếng bày tỏ quan điểm không ủng hộ “Thuyết bảo vệ tăng trưởng ở mức 6%”. 

Lưu Thế Cẩm đồng thời cho biết nhóm nghiên cứu của ông phát hiện tốc độ tăng trưởng tiềm năng của kinh tế Trung Quốc từ năm 2020 tới năm 2025 cơ bản đều dưới mức 6%, nằm trong khoảng từ 5-6%. Cho nên, kinh tế Trung Quốc hiện nay cần phải “ổn định tăng trưởng ở mức 5%” và biện pháp thực hiện là tiến hành cải cách.

Như vậy, cùng với việc hàng loạt tổ chức tài chính ngân hàng quốc tế hạ dự báo tăng trưởng năm 2020 của Trung Quốc, nhiều chuyên gia dự đoán áp lực tăng trưởng đi xuống của nước này trong năm 2020 thậm chí còn lớn hơn năm 2019. 

Tuy nhiên, cho dù Trung Quốc duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, vấn đề then chốt nhất vẫn là ổn định việc làm bởi việc làm quan hệ chặt chẽ tới ổn định xã hội trong khi tăng trưởng tạo ra việc làm.

Theo tờ Economic Journal, những năm gần đây tuy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhưng số lượng việc làm tạo ra từ mỗi 1% tăng trưởng đã tăng từ mức 1,6 triệu của năm 2012 lên khoảng 2 triệu việc làm hiện nay. Nguyên nhân là do ngành dịch vụ tập trung nhiều việc làm hơn ngành chế tạo và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế Trung Quốc. 

Hiện nay, tỷ trọng của ngành dịch vụ chiếm 52,2% kinh tế Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với mức trên 70% ở các nước phát triển. Vì thế, Trung Quốc vẫn còn nhiều không gian để thu hút thêm việc làm trong ngành dịch vụ.

Bên cạnh đó, những ngành nghề kinh tế mới cũng tạo ra thêm nhiều việc làm. Thống kê cho thấy năm 2018, số lao động hoạt động trong lĩnh vực kinh tế số lên tới 190 triệu người. Cho nên, để ổn định việc làm trong bối cảnh thương mại đối ngoại gặp khó khăn, Trung Quốc cũng cần tăng cường sự linh hoạt của nền kinh tế số. 

Chỉ cần ổn định việc làm trong ngành dịch vụ và kinh tế mới, Trung Quốc sẽ không phải sử dụng “liều thuốc mạnh” để kích thích tăng trưởng và có không gian lớn hơn để nâng cấp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đảm bảo kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhưng với chất lượng cao hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục