Huyện Phù Cát (Bình Định): Vươn lên từ xây dựng nông thôn mới

14:00' - 29/01/2022
BNEWS Qua 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, huyện Phù Cát (Bình Định) đã hoàn thành 9/9 tiêu chí theo bộ tiêu chí nông thôn mới cấp huyện.

Qua 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, huyện Phù Cát (Bình Định) đã hoàn thành 9/9 tiêu chí theo bộ tiêu chí nông thôn mới cấp huyện; 16/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đời sống kinh tế, văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao, môi trường nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Có mặt tại cánh đồng trồng cây hành hương thuộc xã Cát Hải (huyện Phù Cát) trong những ngày này, ghi nhận không khí lao động hăng say, khẩn trương của nhiều nông dân để chuẩn bị xuất bán hành lá, hành củ trong vụ Tết Nguyên đán sắp tới.

 

Chị Nguyễn Thị Vân (xã Cát Hải) có hơn 2.000 m2 trồng hành hương từ hơn 10 năm nay cho biết, trồng cây hành hương mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với cây lúa, cây lạc. Mỗi năm, chị trồng hành hương được 3 vụ, mỗi vụ thu trên 20 triệu đồng, trừ các chi phí lãi gần 15 triệu đồng/vụ.

Thị trường bán hành hương rộng khắp trong và ngoài tỉnh, thương lái đến tận cánh đồng để thu mua. Để thuận lợi cho việc trồng cây hành hương, chị Vân cũng đã đầu tư hệ thống phun sương tưới cây tự động với kinh phí trên 20 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Cát, cây hành hương trồng trên địa bàn huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cấp quốc gia, được bảo hộ trên toàn quốc.

Do vậy, sản phẩm đưa ra thị trường được nhiều người biết đến, tiêu thụ tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Hiện địa phương đã xây dựng vùng sản xuất hành hương tập trung tại xã Cát Hải và xã Cát Tài với diện tích 550 ha, có khoảng trên 2.000 hộ dân tham gia sản xuất.

Huyện Phù Cát xác định phát triển kinh tế là động lực trong xây dựng nông thôn mới, lấy tiêu chí thu nhập làm “đòn bẩy” để nâng cao các tiêu chí còn lại. Do vậy, trong thời gian qua, địa phương tập trung đẩy mạnh các mô hình sản xuất kinh tế nông thôn, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung trên các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện; đồng thời xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài vùng trồng hành hương, huyện Phù Cát đã hình thành vùng sản xuất lúa giống 750 ha tập trung tại các xã Cát Tường, Cát Tân, Cát Nhơn, Cát Thắng, Cát Hưng, Cát Chánh; xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa thương phẩm với diện tích trên 3.000 ha.

Huyện phát triển vùng liên kết sản xuất lạc tươi 1.000 ha tại các xã Cát Hanh, Cát Tài, Cát Hải, Cát Trinh, Cát Hiệp, Cát Lâm; vùng sản xuất lạc giống 150 ha tại xã Cát Tài, Cát Hiệp, Cát Hải.

Để thúc đẩy các mô hình kinh tế phát triển, ngành nông nghiệp huyện Phù Cát cũng đã xúc tiến thành lập 4 nhóm sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại thị trấn Ngô Mây, thị trấn Cát Tiến và xã Cát Tài với diện tích 10 ha; xây dựng 3 mô hình nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, trên địa bàn còn có nhiều công ty nuôi lợn giống, gà giống ứng dụng công nghệ cao, cung cấp cho thị trường cả nước.

Ông Nguyễn Văn Lê cho biết, việc tập trung cho phát triển kinh tế đã từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 50,7 triệu đồng, cao gấp 2,6 lần so với năm 2011.

Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 12,88% vào năm 2011 xuống còn 2,88% vào năm 2021. Đây là kết quả khá tích cực cho thấy sự thay đổi rõ rệt từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phù Cát cho biết, sau khi hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, huyện đã lập hồ sơ để trình tỉnh, Trung ương thẩm định và công nhận đạt chuẩn.

Mới đây, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương đã có buổi làm việc với huyện Phù Cát để thẩm định các tiêu chí nông thôn mới. Qua đó, các thành viên trong đoàn đánh giá cao và cơ bản thống nhất huyện Phù Cát đạt tốt 9/9 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới cấp huyện.

Về phía địa phương, khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện đã tập trung và quan tâm hàng đầu đến chất lượng các tiêu chí, các tiêu chí đạt với tỷ lệ khá cao. Về tiêu chí giao thông, huyện Phù Cát hiện có 100% tuyến đường huyện đảm bảo ô tô đi lại và kết nối với trung tâm hành chính các xã trên địa bàn.

Về tiêu chí điện, địa phương có 100% hộ dân sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Huyện có 100% nhà văn hóa, khu thể thao thôn phục vụ tốt hoạt động văn hóa, thể thao của người dân. Các tiêu chí về quy hoạch, thủy lợi, y tế, giáo dục, an ninh trật tự đều đạt theo quy định.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, trong 9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới cấp huyện thì tiêu chí môi trường là khó thực hiện nhất; đặc biệt là nội dung “hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn” trong tiêu chí này.

Hiện, địa phương có gần 60% hộ dân được cung cấp dịch vụ thu gom rác thải và 23,5% hộ dân cam kết tự xử lý rác thải tại nhà bằng các hình thức đảm bảo vệ sinh môi trường. Đây là tỷ lệ đạt theo quy định nhưng chưa cao.

Bên cạnh đó, qua lấy ý kiến của người dân địa phương, nhiều người còn chưa hài lòng về việc xử lý rác thải ở một số nơi, vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi ở khu vực nông thôn, trồng cây xanh ở một số nơi chưa nhiều, cảnh quan môi trường một số địa phương chưa đảm bảo.

Do vậy, trong thời gian tới, trong khi chờ Trung ương xem xét, ban hành quyết định công nhận huyện Phù Cát đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương sẽ xây dựng các giải pháp bền vững để nâng cao tỷ lệ hộ dân được cung cấp dịch vụ thu gom rác thải; tiếp tục trồng cây xanh, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sạch đẹp.

Huyện chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân chung tay bảo vệ môi trường; quản lý tốt việc thu gom, lưu chứa chất thải rắn, chất thải nguy hại và xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo đúng quy định tại các làng nghề, cơ sở chăn nuôi, chế biến lương thực, thực phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục