ILO cảnh báo tình trạng bất bình đẳng giới trên thị trường lao động

08:02' - 08/03/2016
BNEWS Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ khiêm tốn tại một một vài khu vực trên thế giới, vẫn còn hàng triệu phụ nữ bị phân biệt đối xử khi đi tìm việc làm.
Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ khiêm tốn tại một một vài khu vực trên thế giới, vẫn còn hàng triệu phụ nữ bị phân biệt đối xử khi đi tìm việc làm. Ảnh minh họa: Reuters

Nhận định đáng buồn này được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra đúng vào dịp thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Phóng viên TTXVN tại LHQ cho biết báo cáo có tên "Phụ nữ đi làm: Những xu hướng trong năm 2016" đã nghiên cứu dữ liệu của 178 nước và đi đến kết luận rằng tình trạng bất bình đẳng nam nữ vẫn tồn tại khá nghiêm trọng trên khắp các thị trường lao động toàn cầu.

Đáng chú ý là trong 2 thập niên qua, những tiến bộ đáng kể trong công tác giáo dục cho phụ nữ vẫn chưa tạo được bước chuyển tương xứng cho vị thế của phụ nữ tại nơi làm việc. Ở cấp độ toàn cầu, khoảng cách bất bình đẳng nam nữ tại nơi làm việc chỉ được thu hẹp có 0,6% kể từ năm 1995, theo đó trong năm 2015 tỷ lệ có việc làm trên tổng dân số là 46% ở nữ giới và gần 72% ở nam giới.

Trong năm 2015, trên thế giới có 586 triệu phụ nữ làm những công việc gia đình hoặc tự buôn bán nhỏ.

Tính chung trên toàn thế giới, có 38% số nữ giới và 36% số nam giới làm những công việc được trả lương, song không được hưởng an sinh xã hội. Tỷ lệ này ở phụ nữ tại khu vực châu Phi hạ Sahara lên tới 63,2% và 74,2% ở Nam Á, nơi lực lượng lao động chủ yếu làm các công việc tạm bợ.

Báo cáo cũng đưa ra những số liệu mới về giờ làm việc được trả lương và không được trả lương cũng như quyền tiếp cận lương hưu và bảo vệ thai sản tại 100 quốc gia. Theo đó, trong một ngày phụ nữ phải làm nhiều thời gian hơn nam giới xét cả về công việc được trả lương lẫn không được trả lương.

Tính trung bình tại cả các quốc gia thu nhập thấp lẫn các quốc gia thu nhập cao, phụ nữ mỗi ngày phải làm nhiều hơn nam giới ít nhất là 2 tiếng rưỡi công việc nhà hoặc việc chăm sóc người thân (không được trả lương).

Ngoài ra, tại hơn 100 quốc gia được khảo sát, có hơn 1/3 số nam giới đi làm (35,5%) và hơn 1/3 số phụ nữ đi làm (25,7%) làm việc hơn 48 giờ/tuần. Điều này cũng dẫn đến việc phân chia công việc nhà và việc chăm sóc người thân (không được trả lương) không đồng đều giữa nam giới và nữ giới.

Những bất lợi chồng chất mà nữ giới phải đương đầu trên thị trường lao động sẽ để lại những tác động đáng kể cho cả những năm sau này. Xét về lương hưu, tiền chi trả (cả hợp pháp lẫn trên thực tế) cho phụ nữ thấp hơn nam giới, dẫn đến sự chênh lệch về giới trong vấn đề bảo trợ xã hội.

Trên toàn cầu, tỷ lệ phụ nữ được hưởng lương hưu thấp hơn 10,6% so với nam giới. Phụ nữ cũng chiếm gần 65% số người ở tuổi nghỉ hưu (60-65 tuổi) không được hưởng bất kỳ khoản hưu trí nào.

Điều này có nghĩa là có khoảng 200 triệu phụ nữ cao tuổi đang không được hưởng bất kỳ thu nhập thường xuyên nào dành cho người già, trong khi con số này ở nam giới chỉ có 115 triệu người.

Xét về lương, kết quả của báo cáo xác nhận lại ước tính trước đó của ILO cho thấy trên toàn cầu, thu nhập của phụ nữ vẫn thấp hơn 77% so với nam giới. Báo cáo lưu ý là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này không chỉ là sự khác biệt về giáo dục hay tuổi tác.

Sự chênh lệch này có liên quan đến việc đánh giá thấp công việc của nữ giới, sự phân biệt đối xử và việc phụ nữ phải chịu sự gián đoạn trong sự nghiệp hay phải giảm bớt giờ làm việc được trả lương để gánh vác những trách nhiệm chăm sóc người thân như là nuôi con nhỏ.

Báo cáo cho rằng mặc dù đã đạt được vài cải thiện khiêm tốn trong nỗ lực thu hẹp sự bất bình đẳng về thu nhập giữa hai giới, song nếu những xu hướng hiện nay vẫn kéo dài thì sẽ phải mất hơn 70 năm nữa mới có thể xóa bỏ được hoàn toàn tình trạng chênh lệch về lương này.

Chủ đề của ILO cho Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay là "Tiến tới sự bình đẳng vào năm 2030: Tương lai là Hiện tại", cho thấy tính cấp bách của việc cần phải xử lý những sự chênh lệch kể trên để có thể thực thi các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Theo ILO, việc thực hiện thành công chương trình nghị sự phát triển bền vững gắn liền với việc phải tạo thêm việc làm, cụ thể là việc làm có chất lượng, cho phụ nữ, đồng thời có sự bảo trợ xã hội mang tính phổ cập cũng như những biện pháp để công nhận, giảm bớt và tái phân bổ những công việc nhà và chăm sóc người thân (không được trả lương)./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục