IMF: Biến thể của virus SARS-CoV-2 có thể gây thiệt hại lớn cho các thị trường mới nổi

08:42' - 31/07/2021
BNEWS Các biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 có thể là đòn giáng tiếp theo vào các thị trường mới nổi, gây thiệt hại lớn về sản lượng trong những năm tới.

Đây là cảnh báo mới đây của Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Petya Koeva Brooks trong bối cảnh biến thể Delta đang làm gia tăng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu.

Theo bà Brooks, trong kịch bản đầu tiên, các biến thể mới được cho là nguyên nhân gây ra làn sóng lây nhiễm tiếp theo  tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển trong những tháng tới, trong khi tình hình tài chính bị siết chặt do lo ngại lạm phát tại các nền kinh tế phát triển, nhất là Mỹ.

Theo bà Brooks, hai đòn giáng này có thể gây thiệt hại nặng nề về sản lượng cho các thị trường mới nổi trong những năm tới.

IMF dự đoán, trong kịch bản này các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi có thể mất tới khoảng 3.500 tỉ USD.

Trong một kịch bản thứ hai, các biến thể mới lây lan nhanh được cho là mối đe doạ không chỉ cho những nước có tỉ lệ tiêm phòng COVID-19 thấp mà còn đối với nhiều nền kinh tế phát triển nhưng người dân chần chừ trong việc tiêm chủng.

Trong kịch bản này, việc phân bổ thiệt hại có sự khác biệt, với các nền kinh tế phát triển chịu phần thiệt hại lớn hơn, lên tới hơn 2.500 tỉ USD.

Theo bà Brooks, qua các kịch bản này gửi một thông điệp cho thấy tầm quan trọng của công tác tiêm chủng ngừa COVID-19 ở các nước trên thế giới.

Bà Brooks đưa ra dự báo trên sau khi IMF ngày 28/7 công bố báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu cập nhật mới nhất.

Trong báo cáo, IMF vẫn giữ nguyên dự báo đưa ra hồi tháng 4 về tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 6% trong năm 2021, đồng thời nhấn mạnh khoảng cách đang mở rộng trong tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu và đưa ra cảnh báo về những rủi ro nghiêm trọng do bất bình đẳng về vaccine gây ra.

IMF dự báo triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển trong năm nay tăng 0,5 điểm phần trăm lên 5,6% trong khi ở những nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi tỉ lệ này giảm 0,4 điểm phần trăm xuống 6,3%. 

Theo bà Brooks, việc tiếp cận vaccine ngừa COVID-cũng như khả năng của các nước trong việc cung cấp chính sách hỗ trợ là lý do chính gây ra tình trạng này.

Bà nhấn mạnh nếu không giải quyết được vấn đề này thì khó có thể đề cập tới vấn đề phục hồi toàn cầu một cách bền vững.

IMF cho biết gần 40% dân số ở các nền kinh tế phát triển đã tiêm vaccine đầy đủ trong khi tỉ lệ này ở các nền kinh tế thị trường mới nổi là 11% và chỉ chiếm một phần rất nhỏ ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục