IMF: Kinh tế Saudi Arabia sẽ tăng trưởng với nhanh nhất trong một thập kỷ

09:13' - 18/08/2022
BNEWS Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Saudi Arabia sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ và có thể sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm nay.

Ngày 17/8 IMF cho biết các cải cách có lợi cho doanh nghiệp mà Saudi Arabia thực hiện cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của giá dầu và sản lượng dầu thô, đã thúc đẩy sự phục hồi của quốc gia vùng Vịnh này sau cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm 2020.


 
Trong một báo cáo công bố kết luận cuộc tham vấn Điều IV với Saudi Arabia, IMF nói rằng: “Tăng trưởng, được thúc đẩy bởi cả việc tăng sản lượng dầu mỏ và sự phục hồi liên tục mạnh mẽ của lĩnh vực phi dầu mỏ, dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm nay”.
Theo IMF, sản lượng dầu mỏ được duy trì ổn định, giá dầu cao hơn dự báo trước đây và việc thực hiện cải cách mạnh mẽ sẽ hỗ trợ tăng trưởng phi dầu mỏ trong trung hạn của Saudi Arabia.
IMF cho biết trong báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới vào tháng trước rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Saudi Arabia sẽ tăng 7,6% trong năm nay, sau khi tăng 3,2% vào năm 2021. Tăng trưởng phi dầu mỏ của nước này sẽ ở mức 4,2% vào năm 2022, trước khi trở lại tiềm năng trung hạn là 4%.
Là nền kinh tế lớn nhất trong thế giới Arập, kinh tế Saudi Arabia đã tăng trưởng 11,8% trong quý II năm nay, nhờ các hoạt động kinh tế liên quan đến dầu mỏ tăng 23,1% hàng năm. Lĩnh vực kinh tế phi dầu mỏ đã tăng 5,4% trong giai đoạn này, theo dữ liệu của chính phủ Saudi Arabia công bố trong tháng Bảy.
Giá dầu vẫn biến động trong năm nay trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine (U-crai-na) vẫn tiếp diễn. Giá dầu Brent, sau khi tăng 67% vào năm ngoái, gần đây giảm mạnh trong bối cảnh lo ngại về triển vọng tiêu thụ toàn cầu. Tuy nhiên, giá vẫn cao hơn khoảng 20% so với đầu năm nay.
IMF cho biết, mặc dù giá hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh, lạm phát ở Saudi Arabia sẽ vẫn ở mức 2,8% trong năm 2022, do ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách phù hợp với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tổng cục Thống kê Saudi Arabia cho biết vào tuần trước giá tiêu dùng đã tăng 2,7% trong tháng Bảy, cao hơn tỷ lệ lạm phát 2,3% được ghi nhận vào tháng Sáu.
Lạm phát trên toàn cầu đã tăng mạnh do giá lương thực và các mặt hàng khác leo thang trong bối cảnh xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, tỷ lệ này trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) thấp hơn đáng kể so với hầu hết các nước thị trường tiên tiến và mới nổi trong bối cảnh hoạt động kinh tế được cải thiện.
IMF nhận định thêm tài chính công của Saudi Arabia và vị thế đối ngoại của đất nước sẽ được tăng cường “đáng kể”, cùng với tài sản nước ngoài ròng gia tăng nhờ doanh thu phi dầu mỏ tăng lên và số tiền thu được từ xuất khẩu dầu cao hơn.
Các chuyên gia IMF cho biết quản lý nguồn thu từ dầu mỏ một cách bền vững, để chi tiêu công không tăng và giảm theo giá dầu, sẽ thúc đẩy tính bền vững về tài khóa.
Với sự giám sát mạnh mẽ của ngân hàng trung ương, khu vực tài chính của Saudi Arabia vẫn có khả năng phục hồi. Rủi ro hệ thống ở mức thấp và việc tăng lãi suất dự kiến sẽ chỉ có tác động hạn chế đến nền kinh tế nước này trong bối cảnh giá dầu cao và thanh khoản mạnh.
Saudi Arabia đang cải cách nền kinh tế để cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ. Mở rộng cơ sở công nghiệp của đất nước, củng cố khu vực tài chính và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên nhiều lĩnh vực là một trong những trụ cột chính của chương trình “Tầm nhìn 2030” của quốc gia vùng Vịnh này.
Cải cách thị trường lao động, thúc đẩy việc làm và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cũng là một trong những ưu tiên khác của Riyadh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục