IMF: Mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu chưa giúp gì cho các nước mới nổi

20:09' - 29/03/2016
BNEWS Mạng lưới đảm bảo an toàn tài chính được lập nên trong những năm gần đây, song nhiều thị trường mới nổi vẫn dễ bị tổn thương bởi các cú sốc kinh tế trên toàn cầu.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. Nguồn: THX/TTXVN

Báo cáo nghiên cứu mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 28/3 cho biết, mạng lưới đảm bảo an toàn tài chính được các ngân hàng trung ương, các nhà xuất khẩu và IMF lập nên tăng trong những năm gần đây, song nhiều thị trường mới nổi vẫn dễ bị tổn thương bởi các cú sốc kinh tế trên toàn cầu.

Theo IMF, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-09, dự trữ ngoại tệ của các nước đã tăng lên đáng kể và ngày càng có nhiều ngân hàng trung ương ký kết các thỏa thuận hoán đổi (tiền tệ) song phương.

Tuy nhiên, những diễn biến đó chủ yếu có lợi cho các nền kinh tế phát triển. Trong thời gian khủng hoảng, một số nền kinh tế đang nổi vẫn sẽ đối mặt với các lỗ hổng về tài chính.

Báo cáo của IMF nhằm làm khơi lên một cuộc tranh luận giữa 188 quốc gia thành viên của Quỹ về việc cải cách nhằm củng cố vững hơn mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu. Bước đầu tiên của quá trình này là đánh giá sự thích hợp của hệ thống hiện tại, được cho là quá manh mún, chưa được thử thách và tốn kém.

Trước đó, hồi tháng 2/2016, Tổng Giám đốc điều hành IMF, Christine Lagarde kêu gọi mở rộng (sử dụng) các công cụ tài chính thận trọng để có thể giúp các thị trường mới nổi úng phó với các cú sốc từ bên ngoài.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính gần đây nhất, các Ngân hàng trung ương của Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Vương quốc Anh và Thụy Sỹ đã thực thi các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, qua đó giúp nền kinh tế phát triển khắc chế được các rủi ro mang tính hệ thống.

Tuy nhiên, các nền kinh tế mới nổi đang "đứng ngoài cuộc" những thỏa thuận hoán đổi tiền tệ kể trên, và buộc phải tích trữ dự trữ ngoại tệ với chi phí cao (đề đề phòng tình huống bất trắc).

Một trong số ít phương án sẵn có dành cho những nước trên là hướng tới nguồn tiền cho vay trị giá 1.000 tỷ USD tổng cộng của IMF, song việc thông qua số tiền cần vay có thể rất chậm chạp trong thời khủng hoảng tài chính. Ngoài ra, một phương án khác là thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngân hàng trung ương, các chính phủ và các thực thể cho vay của khu vực - những bên tạo nên mạng lưới an toàn tài chính.

Vấn đề trên sẽ được thảo luận tại hội nghị các thống đốc ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 31/3 tới tại Paris (Pháp).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục