Giải mã khả năng "phục hồi kỳ lạ" của kinh tế toàn cầu

05:30' - 15/02/2024
BNEWS Nền kinh tế toàn cầu vẫn luôn vận động. Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất, vào khoảng 5,1% trong năm 2023, theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Kinh tế thế giới năm 2023 đã trải qua nhiều "cú sốc", từ cú sốc năng lượng đến ngân hàng phá sản, mà không dẫn đến suy thoái kinh tế hay khủng hoảng tài chính...

Trong bài viết đăng tải mới đây, Les Echos đã lý giải những yếu tố dẫn đến khả năng chịu đựng bền bỉ này, đồng thời cảnh báo những hệ lụy mà nền kinh tế thế giới có thể gặp phải trong thời gian tới.

Nền kinh tế toàn cầu vẫn luôn vận động. Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất, vào khoảng 5,1% trong năm 2023, theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Điều gì đã giúp nền kinh tế thế giới vượt qua khủng hoảng? Giá trị tiềm ẩn nào mang lại “khả năng phục hồi” kỳ lạ này?

Les Echos giải thích nhiều chuyên gia kinh tế đã tưởng tượng ra những kịch bản tệ hơn nhiều, đặc biệt khi thế giới đã trải qua những tình huống khắc nghiệt trong nửa thế kỷ qua. Nhưng ngoại trừ đại dịch COVID-19 khiến hoạt động kinh tế giảm mạnh trong năm 2020, kinh tế thế giới đã được bù đắp bằng sự phục hồi nhanh chóng.

Trước nhất phải kể đến cú sốc năng lượng. Lần đầu tiên thế giới phải hứng chịu một cú sốc năng lượng mà không bị rơi vào suy thoái. Vào những năm 1970, các thế hệ đi trước chúng ta đã không may mắn như vậy. Sau khi giá dầu tăng gấp bốn lần vào năm 1973, tất cả các nước tiên tiến đều rơi vào suy thoái.

Giống như trường hợp xảy ra vào nửa thế kỷ trước, cú sốc năng lượng đã dẫn đến sự chuyển giao thu nhập ở mức vài điểm phần trăm Tổng sản phầm quốc nội (GDP) từ các nước tiêu thụ năng lượng sang các nhà sản xuất, kéo theo sự gián đoạn nguồn cung. Đặc biệt, sự gián đoạn nguồn cung năng lượng này đã gây ra cuộc suy thoái rõ nhất ở Đức, nơi có ngành công nghiệp hùng mạnh đột nhiên phải hoạt động mà không có khí đốt của Nga. Tuy nhiên, cuộc suy thoái này đã được quản lý kịp thời, với mức giảm trong tổng hoạt động kinh tế chỉ ở ngưỡng 0,3% vào năm 2023.

Khả năng kháng cự của nền kinh tế thế giới trước cú sốc năng lượng không đến một cách ngẫu nhiên. Thứ nhất, cường quốc hàng đầu thế giới, Mỹ, gần như không bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá năng lượng vào năm 2022, vì nước này có sản xuất ra lượng năng lượng gần bằng mức tiêu thụ. Thứ hai, các quốc gia đã rút ra bài học từ cú sốc dầu mỏ trước đây, nên đã chi hàng trăm tỷ euro và USD để tăng dự trữ dầu và khí đốt, giúp giảm bớt cú sốc gián đoạn nguồn cung. Do đó, việc giảm thu nhập đã được đẩy vào chi phí tương lai, thông qua khoản nợ công khổng lồ.

Tiếp theo đó, nền kinh tế thế giới đã phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng rất may là không lây lan rộng. Sự phá sản của các ngân hàng địa phương tại Mỹ và sau đó là sự sụp đổ của tập đoàn tài chính khổng lồ Credit Suisse (Thụy Sỹ) đã không gây ra bất cứ điều gì giống với cơn hoảng loạn tài chính xảy ra sau sự sụp đổ của ngân hàng Lehman năm 2008 - cuộc khủng hoảng được coi là ấn tượng nhất trong gần một thế kỷ qua.

Trong trường hợp này cũng vậy, sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu không phải là ngẫu nhiên. Điều này phần lớn được giải thích bằng hành động kiên quyết của các chính phủ nhằm hạn chế tác động tiêu cực của việc phá sản ngân hàng. Tại Mỹ, các cơ quan quản lý đã chấp nhận bảo lãnh các khoản tiền gửi không được bảo hiểm. Ở châu Âu, chính quyền Thụy Sỹ đã tổ chức dàn xếp vụ việc ngân hàng UBS tiếp quản Credit Suisse để tránh sự sụp đổ của một trong những ngân hàng lớn và lâu đời nhất thế giới, ngăn chặn thảm họa tài chính lây lan.

Cuối cùng, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng đột ngột về lãi suất mà không tạo ra bất kỳ sự cố nào ở các nước mới nổi. “Đèn cảnh báo liên tục nhấp nháy” ở khắp nơi trên thế giới, từ Ai Cập đến Bolivia qua Sri Lanka, Zambia, Pakistan, Ethiopia, hayArgentina, nhưng chưa thể so với những gì đã xảy ra vào những năm 1980, khi Mỹ Latinh trải qua một thập kỷ mất mát. Bằng cách đẩy lãi suất lên tới 20% vào năm 1981, ngân hàng trung ương Mỹ đã kích hoạt một đợt chuyển vốn khổng lồ về trong nước vào thời điểm đó.

Hơn nữa, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đã để mắt đến mọi thứ, với khả năng tài chính lớn hơn nhiều so với thời điểm đó. Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng châu Á những năm 1990, nhiều quốc gia mới nổi cũng đã tích lũy dự trữ ngoại hối để tự bảo vệ quốc gia mình tốt hơn. Những nước khác đã cố gắng hạn chế vay USD để giảm rủi ro tiền tệ.

Tất nhiên, mọi thứ còn chưa kết thúc. Nền kinh tế toàn cầu vẫn luôn vận động và trong những năm tới rất có thể sẽ có những tai họa khác có thể ập đến. Tác động tiêu cực của làn sóng tăng lãi suất hiện vẫn chưa được cảm nhận hết do độ trễ của chính sách. Thị trường tài chính cũng đang rất căng thẳng. Lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục rung chuyển. Nếu các chính phủ tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, thế giới sẽ phải chuyển hàng nghìn tỷ đồng tiền vốn sang các các lĩnh vực kinh té mới, gây bất lợi cho những lĩnh vực cũ. Và sự phân mảnh của thế giới chắc chắn sẽ tạo ra những đứt gãy trong nền kinh tế toàn cầu.

Nhưng trong lúc này, không thể phủ nhận rằng thế giới đã thể hiện sự phản kháng bất ngờ và sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu có được phần lớn xuất phát từ các chính sách do các quốc gia thực hiện. Vấn đề bây giờ là phải xem liệu sự bảo hộ của nhà nước có tạo ra hệ lụy nào hay không?

Sự can thiệp của nhà nước đã dẫn đến nợ công tăng cao hơn bao giờ hết. Hiện nhiều nước vẫn triển khai các gói hỗ trợ. Trong bối cảnh này, nhiều nước cũng muốn huy động thêm nguồn lực để tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh và tăng cường khả năng phòng thủ, đảm bảo quyền tự chủ trong sản xuất, trong khi bảo trợ xã hội ngày càng bị gián đoạn do dân số già đi. Những người tiết kiệm mua trái phiếu chính phủ thông qua các công cụ đầu tư (bảo hiểm nhân thọ) có nguy cơ một lần nữa trở thành nạn nhân của cuộc chơi.

Ngoài ra, rất có thể việc bảo hộ của nhà nước sẽ trở thành rào cản, làm mất đi các cơ hội phát triển. Trong khi ô tô không còn sử dụng động cơ diesel nữa thì nền kinh tế toàn cầu lại vận hành như một động cơ diesel: Bền bỉ nhưng kém linh hoạt và trì trệ hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục