Indonesia: Báo động ô nhiễm không khí

05:16' - 19/05/2016
BNEWS Ô nhiễm không khí ở Indonesia hiện nay là đáng báo động bởi vì hàng năm tình trạng đốt nương rẫy của người dân gây cháy rừng trên diện rộng khiến khói bụi đã ảnh hưởng rất nhiều đến đất nước này.

Không những thế, khói bụi từ Indonesia còn lan cả sang các nước láng giềng như Malaysia, Singapore, Việt Nam…

Người dân Singapore đeo khẩu trang để đối phó với tình trạng ô nhiễm khói bụi. Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN

Tuy nhiên, một nguyên nhân khác gây nên tình trạng này ở đất nước "vạn đảo" là việc sử dụng than đá quá nhiều của các doanh nghiệp cũng như người dân Indonesia, gây nên vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Xung quanh vấn đề này, báo “Jakarta Toàn cầu” số ra mới đây có đăng bài của Hindun Mulaika - Chuyên gia về môi trường và năng lượng thuộc tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) ở Indonesia với tựa đề: “Vấn đề ô nhiễm không khí đáng báo động tại Indonesia”. Nội dung bài viết như sau:

Có một thực tế hiện nay là Indonesia đang rất cần năng lượng để phục vụ người dân cũng như phục vụ sản xuất. Hàng triệu người Indonesia hiện vẫn chưa được tiếp cận với nguồn điện, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ điện ở các thành phố ngày một gia tăng.

Đó là lý do tại sao Chính phủ Indonesia cam kết sẽ gia tăng công suất điện thêm 35 GW với ước tính mức tiêu thụ điện ở quốc gia này tăng 8%/năm. Điều đáng lo ngại là 2/3 trong tổng số 35 GW đó là từ nguồn nhiệt điện (than đá). Hầu hết sản lượng điện ở Indonesia đến từ nguồn than đá và giá cả được cho là yếu tố quyết định cho sự lựa chọn này.

Việc Chính phủ Indonesia cam kết sẽ gia tăng công suất điện thêm 35 GW cũng đồng nghĩa với việc ô nhiễm sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN

Hậu quả của việc sản xuất năng lượng nhiệt điện là nguồn nước bị ô nhiễm ở đảo Kalimantan, còn tại đảo Java thì người dân phải từ bỏ nhà cửa, ruộng vườn của họ để tránh xa khu vực có nhà máy nhiệt nhiệt điện bởi vì họ sợ bị ảnh hưởng đến sức khỏe từ khí thải của nhà máy. 

Một nghiên cứu mới đây của Đại học Harvard (Mỹ) do tổ chức Hòa bình xanh tiến hành, đã chỉ ra rằng tác động đối với sức khỏe con người từ các nhà máy nhiệt điện ở Indonesia là rất nghiêm trọng, có thể gây tử vong cho khoảng 6.500 người Indonesia mỗi năm, liên quan đến các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi và các bệnh về đường hô hấp. Nếu kế hoạch của Chính phủ Indonesia thành hiện thực với việc cấp phép cho 100 nhà máy nhiệt điện mới, số người tử vong ở đất nước này sẽ tăng lên đến con số 28.300 người mỗi năm.

Cũng giống như một số quốc gia láng giềng Đông Nam Á, các nhà máy nhiệt điện ở Indonesia thải ra môi trường các chất gây ô nhiễm lớn hơn gấp 5-10 lần so với Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU), theo đó hầu hết các nhà máy nhiệt điện ở quốc gia này đều thải ra môi trường các loại khí thải SO2 và NOx.

Thành viên tổ chức Hòa bình xanh tại Indonesia đã nói chuyện với người dân, cán bộ y tế ở khu vực đặt các nhà máy nhiệt điện tại Java, và được họ phàn nàn rằng vấn đề hô hấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cụ thể là họ thường xuyên bị ho và khó thở, đặc biệt có nhiều bệnh nhân là trẻ nhỏ. Tình trạng ô nhiễm do các nhà máy nhiệt điện gây ra lây lan trên diện rộng, với khoảng cách hàng trăm km từ nơi đặt nhà máy.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo đối với các nhà máy nhiệt điện tại Indonesia bởi vì nó tạo ra lượng lớn các hạt PM2.5. Các hạt này rất nhỏ, sẽ làm ảnh hưởng đến phổi và các mạch máu của con người.

Bạn chỉ cần nhìn vào Trung Quốc để xem mức độ nguy hiểm do việc sử dụng than đá gây ra. Trong nhiều năm qua, việc sử dụng than đá tràn lan tại Trung Quốc đã làm cho quốc gia này lâm vào tình trạng ô nhiễm không khí đến mức khủng hoảng.

Thành phố Bắc Kinh hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng với mức khói bụi và chất PM2.5 tăng lên gấp 30 lần so với mức cho phép mà WHO đưa ra. Các nhà nghiên cứu ước tính, ô nhiễm không khí ở Trung Quốc làm cho khoảng 4.000 người tử vong mỗi ngày, trong đó việc sử dụng than đốt là nguyên nhân chính.

Để khắc phục tình trạng tồi tệ này, Chính phủ Trung Quốc đã khẩn cấp áp đặt một lệnh cấm các nhà máy nhiệt điện trên toàn quốc nhập khẩu nguồn than đốt mới đến năm 2017. Trong khi Trung Quốc bắt đầu quay lưng với nhiệt điện thì Indonesia lại dường như muốn sẵn sàng mua lại công nghệ cũ của Trung Quốc để tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện tại đất nước vạn đảo.

Đất nước Ấn Độ cũng đã rút ra những bài học hữu ích từ việc sử dụng nhiên liệu than đá. Hiện nay Chính phủ Ấn Độ đang có dự án sử dụng đến 100 GW năng lượng Mặt Trời vào năm 2022, tăng lên gấp 20 lần con số hiện nay. Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Piyush Goyal cho biết đó là một lựa chọn hiệu quả, bởi vì chi phí của nó thấp hơn việc sử dụng nhiên liệu than hóa thạch.

Một tin tốt lành đối với người dân Indonesia đó là mới đây Tổng thống Joko Widodo đã công bố lệnh cấm khai thác than. Chính sách mới này dự kiến sẽ làm cho tình hình thay đổi và giúp cho Indonesia phát triển một tương lai xanh hơn. Điều đó mở ra một con đường mới, đó là thúc đẩy đất nước vạn đảo phát triển các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cho đời sống của người dân nơi đây ngày một tốt hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục