Indonesia: Cải thiện đối thoại xã hội để thúc đẩy ngành công nghiệp

05:30' - 06/08/2019
BNEWS Báo Jakarta Post số ra mới đây đăng bài viết nhận định kế hoạch sửa đổi Luật Nhân lực số 13/2003 của Indonesia đã gây ra sự chia rẽ mạnh mẽ giữa công đoàn và giới chủ sử dụng lao động và chính phủ.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiệp hội sử dụng người lao động Indonesia (Apindo) đã khởi xướng kế hoạch và đề xuất các sửa đổi nhằm đơn giản hóa quá trình tăng lương tối thiểu và giảm mức trợ cấp thôi việc. Điều này tạo cơ hội cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động linh hoạt hơn thông qua lao động thuê ngoài và cũng đơn giản hóa việc sa thải.

Tuy nhiên, các công đoàn phản đối đề xuất của Apindo, cho rằng luật pháp quy định mức tăng lương tối thiểu và quá trình đàm phán giữa công đoàn và người sử dụng lao động đã bị vô hiệu hóa. Họ cũng nói rằng chủ lao động hiếm khi thực hiện các quy định về trợ cấp thôi việc, trong khi các quy định về việc làm linh hoạt thông qua hợp đồng cũng như sa thải đã bị vi phạm nghiêm trọng.

Tình hình hiện nay là sự lặp lại của năm 2006 và 2016, khi các kế hoạch gây tranh cãi tương tự nhằm sửa đổi Luật Nhân lực đã bị hủy bỏ. Lần này, rất có thể các sửa đổi sẽ được thực hiện, dựa trên đặc điểm và tính cách của Tổng thống Joko Widodo (Jokowi), một cựu doanh nhân được biết đến với những chính sách ủng hộ đầu tư.

Những vấn đề hiện nay cũng phản ánh đặc điểm của quan hệ giữa giới chủ và người lao động trong ngành công nghiệp ở Indonesia. Xung đột không thể tách rời khỏi lịch sử của các chính sách lao động, chúng được đánh dấu bằng các cuộc đình công và biểu tình của công đoàn. Chúng cũng cho thấy đối thoại xã hội đã không trở thành một công cụ để tạo ra một chính sách lao động công bằng.

Đối thoại xã hội theo định nghĩa của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đề cập đến tất cả các loại đàm phán, tham vấn hoặc đơn giản là trao đổi thông tin giữa các đại diện của chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động về các vấn đề lợi ích chung liên quan đến chính sách kinh tế và xã hội.

Đối thoại xã hội là cơ chế tốt nhất để thúc đẩy điều kiện sống và làm việc tốt hơn, cũng như công bằng xã hội. Nó là một công cụ quản trị tốt và phù hợp với bất kỳ nỗ lực nào để làm cho nền kinh tế hoạt động tốt hơn và cạnh tranh hơn, và làm cho xã hội ổn định hơn và công bằng hơn.

Các điều kiện chính cho đối thoại xã hội đã được Indonesia đáp ứng thông qua Luật Công đoàn Indonesia năm 2000. Nước này cũng đã phê chuẩn Công ước ILO số 87 về tự do hiệp hội và Công ước số 98 về thương lượng tập thể và thông qua việc thành lập các tổ chức ba bên (lao động-giới chủ-chính phủ) quốc gia và khu vực.

Vậy tại sao đối thoại xã hội vẫn rất yếu và các cuộc biểu tình trong khu công nghiệp vẫn diễn ra? Mặc dù có một loạt sáng kiến và hỗ trợ kỹ thuật từ ILO và các tổ chức quốc tế khác để cải thiện kỹ năng và chất lượng đối thoại xã hội cho các công đoàn và người sử dụng lao động, tại sao đối thoại xã hội không trở thành một đặc điểm trong quan hệ lao động-giới chủ?

Ông Patrick Quinn, một cố vấn của ILO ở Indonesia nhận định rằng các rào cản đối với vấn đề đối thoại xã hội ở Indonesia là do đất nước thiếu văn hóa thương lượng tập thể, những điểm yếu của công đoàn và các tổ chức sử dụng lao động cũng như sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đối với mối quan hệ lao động-giới chủ trong ngành công nghiệp.

Bên cạnh đó, sự thiếu tin tưởng giữa các chủ thể trong quan hệ công nghiệp cũng là một yếu tố. Ở cấp quốc gia, các tổ chức đối thoại xã hội như hội đồng ba bên, hội đồng tiền lương và hội đồng năng suất không hoạt động hiệu quả và do đó không đóng góp nhiều trong việc phát triển quan hệ công nghiệp chất lượng. 

Ngoài ra, chính phủ thường bỏ qua đối thoại xã hội và thậm chí đã loại bỏ vai trò của công đoàn khi ban hành Quy định số 78/2015 của Chính phủ về tiền lương. Các quy định cơ bản đã tùy tiện loại bỏ quá trình đàm phán ba bên trong việc xác định mức tăng lương tối thiểu và chính phủ là yếu tố quyết định duy nhất về vấn đề này. Không có gì lạ khi quy định này làm dấy lên sự chỉ trích và phản ứng tiêu cực từ các công đoàn.

Đối thoại xã hội đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy ngành công nghiệp. Tất cả các bên như công đoàn, người sử dụng lao động và chính phủ cần tôn trọng vai trò và chức năng của nhau để củng cố niềm tin lẫn nhau trong đàm phán, tư vấn và trao đổi thông tin.

Kế hoạch sửa đổi Luật Nhân lực có thể được đàm phán thông qua đối thoại xã hội chân thành để đảm bảo công bằng và chất lượng nhằm đáp ứng lợi ích chung của tất cả các bên, đó là hoạt động đầu tư trôi chảy, ngwoif lao động được bảo vệ và hoạt động kinh doanh hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục