Indonesia cam kết mức lương tăng gấp 5 lần cho nông dân thế hệ gen Z

10:59' - 24/10/2024
BNEWS Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Trung ương vào tháng 2 năm 2024, mức lương trung bình của lao động nông nghiệp tại Indonesia gần 300 triệu dân này là khoảng 2,1 triệu rupiah mỗi tháng.

Indonesia khuyến khích thế hệ gen Y và gen Z tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp nhiều hơn bằng cách cam kết cung cấp công nghệ hiện đại và hứa hẹn mức lương 10 triệu rupiah (640 USD), gấp năm lần mức lương trung bình của người nông dân hiện nay.

Trong cuộc phỏng vấn với B-Univer Media Holdings ngày 23/10, Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Andi Amran Sulaiman cho biết, một trong những mục tiêu chính của chính quyền Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto là đạt được khả năng tự cung tự cấp lương thực. Một trong những chiến lược mà Bộ Nông nghiệp nước này đề ra là thu hút những người nông dân thế hệ gen Y và gen Z tham gia vào nông nghiệp.

Bộ trưởng Andi cho biết, chương trình thu hút thế hệ trẻ tham gia lĩnh vực nông nghiệp bao gồm việc thành lập một đội gồm 15 lữ đoàn thanh niên độ tuổi thuộc thế hệ gen Y trở đi để quản lý 200 ha đất nông nghiệp, trong đó tập trung phát triển các vùng đất nông nghiệp mới. Mỗi nông dân có thể kiếm được tối thiểu 10-20 triệu rupiah mỗi tháng.

Bộ trưởng Andi nhấn mạnh: "Chúng ta không thể ép buộc thế hệ Y và thế hệ Z làm việc trong ngành nông nghiệp; chúng ta cần tạo ra một hệ thống mà họ cảm thấy thoải mái".

Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Trung ương vào tháng 2 năm 2024, mức lương trung bình của lao động nông nghiệp tại quốc gia gần 300 triệu dân này là khoảng 2,1 triệu rupiah mỗi tháng, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc là 3,04 triệu rupiah cho một lao động. Các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản sử dụng khoảng 40,72 triệu lao động, chiếm 28,6% lực lượng lao động của Indonesia.

Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto đã đặt mục tiêu cho Indonesia đạt được mục tiêu tự cung tự cấp lương thực trong vòng 4 năm sau khi nhậm chức, giảm sự phụ thuộc của đất nước vào nhập khẩu lương thực.

Bộ trưởng Amran cho rằng khả năng tự cung tự cấp lương thực có thể đạt được thông qua các chương trình bền vững và thiết thực, trong đó tăng cường giáo dục người dân về kiến thức nông nghiệp và cung cấp hạt giống. Quan trọng nhất, thực phẩm là trách nhiệm của toàn thể quốc gia, không chỉ riêng Bộ Nông nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục