Indonesia chi hơn 1 tỷ USD hỗ trợ tiền điện

16:22' - 12/08/2020
BNEWS Hơn 33 triệu hộ gia đình, doanh nghiệp và cơ quan dịch vụ công của Indonesia sẽ được miễn giảm tiền điện với tổng kinh phí 15.400 tỷ rupiah (1,05 tỷ USD) để đẩy nhanh phục hồi kinh tế.

Theo Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản, số tiền này sẽ được giải ngân từ gói ngân sách 54.790 tỷ rupiah dành cho hỗ trợ giá điện hàng năm.

Dự kiến, khoảng 15.400 tỷ rupiah sẽ được hoàn trả vào tài khoản của các khách hàng - điều mà Chính phủ hy vọng sẽ giúp thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình và giúp các doanh nghiệp tránh nguy cơ phá sản.

Ba chương trình hỗ trợ tiền điện nói trên là một phần trong gói kích thích ứng phó với đại dịch COVID-19 có tổng trị giá 695.200 tỷ rupiah nhằm mục đích tái khởi động nền kinh tế và bảo vệ việc làm cho người lao động.

Chương trình hỗ trợ tiền điện đầu tiên dành cho các hộ nghèo đã được công bố vào tháng Tư vừa qua trong bối cảnh các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) khiến hoạt động kinh tế bị đình trệ.

Chương trình thứ hai được công bố vào tháng Năm dành cho các doanh nghiệp nhỏ - nơi sử dụng phần lớn lực lượng lao động của đất nước.

Chương trình thứ ba miễn tiền điện hàng tháng đối với mức tiêu thụ tối thiểu của tất cả các doanh nghiệp và cơ quan dịch vụ công khác.

Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản cho biết chương trình đầu tiên sẽ được gia hạn đến tháng 12/2020 thay vì kết thúc vào tháng Sáu theo dự kiến ban đầu. Trong khi đó, chương trình thứ ba sẽ được mở rộng cho các khách hàng thuộc loại “đặc biệt”, như các đặc khu kinh tế (KEK) và hệ thống tàu điện tốc độ cao (LRT) của Jakarta.

Công ty điện lực nhà nước PLN sẽ chi trả kinh phí cho việc kéo dài và mở rộng các chương trình hỗ trợ tiền điện trước khi được Chính phủ hoàn trả song cơ chế này vẫn đang được các Bộ Tài chính, Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản bàn bạc.

Việc hoàn trả chi phí cho PLN là điều cấp thiết trong bối cảnh tình hình tài chính của công ty này đang bị lung lay bởi các gói hỗ trợ và tỷ giá hối đoái giảm. Trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận của PLN đã sụt giảm tới 96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 251,6 tỷ rupiah.

Theo các hiệp hội kinh doanh và các nhà nghiên cứu, dù tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và hộ nghèo, các chương trình hỗ trợ tiền điện này cần được triển khai cùng các nỗ lực khác, trong đó có các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 hiệu quả, nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.

Nhà nghiên cứu Hafiz Arfyanto thuộc Viện nghiên cứu SMERU cho rằng, đối mặt với đại dịch, các yếu tố như tâm trạng lo lắng và sợ hãi có thể kìm hãm sự phục hồi kinh tế khi làm giảm nhu cầu tiêu dùng.

Lãnh đạo Hiệp hội giới chủ Indonesia (Apindo) và Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Indonesia (Akumindo) cho hay hóa đơn tiền điện chiếm chưa tới 10% chi phí cố định thường xuyên của họ và do đó tác động của các chương trình này là rất khiêm tốn.

Về phần mình, Thư ký Hội người tiêu dùng Indonesia (YLKI), ông Agus Suyanto cho biết tổ chức này chưa nhận được bất kỳ khiếu nại nào về việc các hộ gia đình đáp ứng đủ điều kiện không được hưởng khoản hỗ trợ tiền điện. Điều này cho thấy chương trình đã nhắm đúng mục tiêu.

Trong quý II vừa qua, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia đã giảm 5,32%, lần giảm đầu tiên trong hai thập kỷ qua, trong bối cảnh tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đều ghi nhận sự sụt giảm. Dự báo, tăng trưởng kinh tế của Indonesia sẽ giảm 0,4% trong năm nay theo kịch bản cơ sở, hoặc chỉ tăng trưởng 1% theo kịch bản lạc quan nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục