Indonesia chia sẻ kỹ thuật sản xuất than cho các nhà máy nhiệt điện Việt Nam

15:51' - 24/12/2015
BNEWS Việt Nam hiện có nhu cầu nhập khẩu than rất lớn, trong khi sản lượng than theo Quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm 2020, xét triển vọng đến năm 2030, không thể đáp ứng nhu cầu trong nước.
Việc chuyển sang sản xuất than trộng theo kỹ thuật mới sẽ giúp cải thiện chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất than. Ảnh: TTXVN

Theo ý kiến các chuyên gia, để cung cấp đủ nhu cầu điện của đất nước, Việt Nam cần xây dựng nguồn nhiệt điện chạy than, đồng thời cần cải tiến các kỹ thuật như trộn than để tăng hiệu qủa sản xuất cũng như giảm lượng tiêu thụ than.

Chia sẻ kinh nghiệm với các nhà máy Nhiệt điện, Tổ hợp các nhà xuất khẩu Than Indonesia-Việt Nam (IVCEC) do Công ty TNHH Đầu tư và Năng lượng Thiên Sơn (TISECO) là đại diện đã tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm nhập khẩu than và trộn than cho các nhà máy Nhiệt điện” vào ngày 24/12.

Cho biết về tác dụng của phương pháp trộn than trong quá trình vận hành của nhà máy nhiệt điện, PGS. TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho hay, qua việc nghiên cứu đốt than trộn giữa than antraxít và than á bitum đã đưa ra kết luận, hiệu quả thu được khi đốt than trộn là rõ rệt và có thể khẳng định tăng được hiệu suất cháy và hiệu suất lò hơi; giảm tiêu thụ than và có thể giảm được nhiều chi phí khác như về chi phí do đốt dầu phụ trợ, do giảm tiêu thụ điện năng để nghiền than.

Các nhà máy nhiệt điện hiện đang đốt than antraxit trong lò hơi hoặc đốt than bột có thể chuyển hẳn sang sang đốt than trộn lâu dài mà không phải trang bị thêm hoặc cải tạo lớn về thiết bị. Vì vậy, việc đốt than trộn có thể triển khai sớm, thậm chí ngay từ năm 2016.

Tuy nhiên, PGS. TS Trương Duy Nghĩa cũng lưu ý, để xác định được hiệu quả của giải pháp này, các nhà máy nhiệt điện trước khi đi vào đốt chính thức than trộn cần đốt thí điểm với tỷ lệ than trộn khác nhau để lựa chọn ra tỷ lệ than trộn hợp lý, đồng thời, xác định các thông số vận hành tối ưu ứng với tỷ lệ than trộn đã chọn và sau đó có thể đi ngay vào đốt than trộn ổn định lâu dài.

Ông Eddy S. Wibowo, Chủ tịch Liên danh các nhà xuất khẩu than Indonesia – Việt Nam cho rằng, than là nguồn nguyên liệu rẻ giúp các nước đang phát triển sử dụng để sản xuất điện; trong đó Trung Quốc là nước sử dụng nhiều than nhất.

Hiện toàn cầu có 1.579 nhà máy phát điện chạy bằng than; trong đó các nước Ấn Độ, Trung Quốc, châu Phi chiếm khoảng 71% và nếu thêm Việt Nam vào thì con số này tăng lên 81%. Đồng thời, dự kiến sẽ có trên 2.000 nhà máy nhiệt điện đang dự trù sẽ được xây dựng. Vì vậy, lượng tiêu thụ than trên toàn cầu sẽ rất lớn; trong đó có Việt Nam .

Theo ông Eddy S.Wibowo, Indonesia là một trong những nước có nguồn than dồi dào, có điều kiện địa lý gần Việt Nam và là thành viên của Tổ chức Asean. Indonesia cũng có những điều kiện cần và đủ để hợp tác cùng nhau trong lĩnh vực xuất nhập khẩu than đá phục vụ nhu cầu của các nhà máy Nhiệt điện than của Việt Nam với tiêu chí cung cấp than dài hạn, bền vững, đôi bên cùng có lợi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục