Indonesia chủ động trong xu hướng tái cơ cấu nợ toàn cầu

05:55' - 15/06/2017
BNEWS Những năm gần đây, tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động khiến Indonesia đối mặt với nhiều thách thức trong quản lý kinh tế vĩ mô, đặc biệt là vấn đề tái cơ cấu nợ.
Indonesia chủ động trong xu hướng tái cơ cấu nợ toàn cầu. Ảnh minh họa: Reuters

Xung quanh vấn đề này, báo “Bưu điện Jakarta” số ra mới đây đăng bài phân tích của chuyên gia kinh tế Wincen Santoso. Trong năm vừa qua, tỷ lệ doanh nghiệp/tổ chức vỡ nợ trên toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Ứng phó với tình trạng này, cả Singapore và Liên minh châu Âu (EU) đang tìm kiếm các phương pháp tiếp cận mới đối với việc tái cơ cấu nợ, tương tự như Chương 11 của Bộ luật Phá sản Hoa Kỳ đã giải cứu thành công các tập đoàn như Chrysler và American Airlines.

Cụ thể, Chính phủ Singapore đã và đang làm việc để khẳng định vị trí của mình như một điểm đến ưa thích để tái cấu trúc nợ xuyên biên giới với việc thông qua Luật Doanh nghiệp (Sửa đổi). Đây là bước đầu tiên trong kế hoạch cải cách luật pháp nhằm đưa Singapore trở thành một Trung tâm tái cơ cấu nợ quốc tế.

Tương tự, Ủy ban châu Âu đã lần đầu tiên đề xuất một loạt quy định về tình trạng doanh nghiệp mất khả năng kinh doanh, thúc đẩy việc sớm cơ cấu lại để ngăn ngừa phá sản và sa thải lao động. Cả hai sáng kiến này đều phản ánh một chiến lược tương tự để thích ứng và tận dụng những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, tại Indonesia, nợ xấu của các ngân hàng đang gia tăng. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận với các chủ nợ Indonesia đang nắm giữ trái phiếu nước ngoài. Nhiều khoản vay và trái phiếu này được phát hành ở Singapore hoặc bằng đồng USD và thường được tái cơ cấu ở Singapore, nơi mà việc thực thi an ninh và pháp luật được đảm bảo nghiêm ngặt.

Khi luật Singapore điều chỉnh thêm các điều khoản bổ sung “có lợi” cho con nợ, các công ty Indonesia sẽ ngày càng lựa chọn tái cơ cấu nợ tại Singapore.

Các đặc điểm chính của cơ cấu nợ kiểu Mỹ, hiện đã xuất hiện trong luật của Singapore, bao gồm cứu trợ tài chính, tái cơ cấu nợ và yêu cầu đình hoãn thanh toán trên toàn cầu. Luật về cứu trợ tài chính sẽ cho phép con nợ, trong một số trường hợp nhất định, nhận được tín dụng có đảm bảo hoặc tín dụng quyền ưu tiên cấp cao.

Điều này khuyến khích cả việc cung cấp các khoản vay mới và kéo dài các khoản tín dụng hiện tại, giúp công ty không những không bị phá sản mà còn giữ được đội ngũ nhân viên chủ chốt cũng như duy trì quan hệ kinh doanh với khách hàng và nhà cung cấp.

Nếu Indonesia không sớm cải tổ luật phá sản, các công ty nước này sẽ tìm cách lựa chọn tái cơ cấu nợ tại Singapore. Ảnh minh họa: Reuters

Luật tái cơ cấu nợ sẽ cho phép doanh nghiệp thực hiện kế hoạch tái cấu trúc nợ bất chấp sự phản đối của các chủ nợ, miễn là các công ty đảm bảo những yêu cầu nhất định, như đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với chủ nợ.

Cuối cùng, tính năng quan trọng thứ ba của cơ cấu nợ theo kiểu Mỹ đã được thông qua tại Singapore là tự động ban hành lệnh hoãn trả nợ trên toàn thế giới sau khi đơn yêu cầu tái cơ cấu được đệ lên tòa án.

Những quy định mang tính “thân thiện” với con nợ như trên không có trong luật của Indonesia. Do đó, theo tác giả bài viết, nếu Indonesia muốn cạnh tranh với Singapore như một điểm đến hấp dẫn để doanh nghiệp tái cơ cấu nợ thì quốc gia này nên xem xét cải tổ luật phá sản để bắt kịp với xu hướng phát triển trong lĩnh vực này như Singapore đang làm.

Ngoài ra, Indonesia có thể khuyến khích việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp và cho phép tái cơ cấu nợ bằng cách ban hành những quy định theo hướng làm giảm rủi ro và tăng sự đảm bảo pháp lý cho chủ nợ tiềm năng.

Bên cạnh đó, Indonesia có thể hỗ trợ Singapore trong việc tạo thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu nợ bằng cách ký một thỏa thuận song phương để thừa nhận và thực hiện tái cơ cấu nợ theo cách làm của Singapore tại Indonesia.

Hợp tác này sẽ cho phép hai bên áp dụng các biện pháp phối hợp để giải quyết vấn đề phá sản xuyên biên giới. Do đó, tài sản của các công ty Indonesia, đang đứng trước nguy cơ phá sản, sẽ được bảo vệ tốt hơn và các nỗ lực giải cứu những công ty này sẽ có khả năng thành công cao hơn.

Tái cơ cấu một công ty của Indonesia thành công, dù ở Indonesia hay Singapore, nếu có lợi cho nền kinh tế Indonesia thì đều cần được hỗ trợ bằng mọi biện pháp.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phát triển nhanh chóng hiện nay, để đứng vững, phát triển và tránh bị tụt lại phía sau thì các quốc gia cần có sự phối hợp với nhau. Do đó, tác giả nhấn mạnh, đây là lúc mà Bộ Luật pháp và Nhân quyền Indonesia cần nghiên cứu và bổ sung thêm các điều luật mới để giúp Indonesia theo kịp xu hướng tái cơ cấu nợ trên toàn cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục