Indonesia đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất địa nhiệt

14:37' - 26/04/2022
BNEWS Tổng công ty dầu khí nhà nước PT Pertamina của Indonesia đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất địa nhiệt vào năm 2027-2028, trong bối cảnh nước này muốn giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Tổng công ty dầu khí nhà nước PT Pertamina của Indonesia đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất địa nhiệt vào năm 2027-2028, với tổng vốn đầu tư có thể lên tới 4 tỷ USD, trong bối cảnh quốc gia này đang cố gắng giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Chính phủ Indonesia rất muốn khai thác các nguồn năng lượng địa nhiệt với tiềm năng lên tới hơn 28 GW điện. Số liệu của Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản cho thấy công suất lắp đặt điện địa nhiệt của nước này hiện mới chỉ đạt 2,28 GW tính đến cuối năm 2021.

 

Phát triển năng lượng địa nhiệt là một phần trong chiến lược của Chính phủ Indonesia nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia từ mức khoảng 12% hiện nay lên 23% vào năm 2025. Nằm trong số 10 quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, Indonesia cũng đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2060.

Phát biểu với giới truyền thông trong chuyến thăm khu mỏ địa nhiệt Lahendong ở tỉnh Bắc Sulawesi vào ngày 25/4, Giám đốc điều hành Pertamina Nicke Widyawati cho biết gã khổng lồ dầu khí này có kế hoạch tăng gấp đôi công suất điện địa nhiệt từ mức khoảng 700 MW hiện tại. 

Để đẩy nhanh quá trình phát triển, Pertamina có kế hoạch bổ sung khoảng 210 MW công suất điện địa nhiệt thông qua việc đầu tư vào một nhà máy theo chu kỳ Rankine hữu cơ nhị phân (ORC) có chi phí thấp hơn và có thể được phát triển nhanh hơn.

Pertamina hiện đang vận hành thử nghiệm một máy phát điện nhị phân công suất 500 kW tại mỏ địa nhiệt Lahendong. Theo bà Nicke, loại máy phát điện này sẽ được sử dụng tại các khu mỏ khác. Theo tính toán, nhà máy điện nhị phân có chi phí đầu tư 2,5 triệu USD mỗi MW.

Trong khi đó, ông Dannif Danusaputro, Giám đốc điều hành công ty Pertamina Geothermal Energy (PGE) cho hay Pertamina cũng sẽ bổ sung thêm khoảng 500 MW điện địa nhiệt bằng cách phát triển các mỏ mới với chi phí đầu tư từ 5-7 triệu USD mỗi MW.

Bà Nicke khẳng định Pertamina sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư trong việc phát triển các dự án năng lượng địa nhiệt. Về kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của PGE, bà cho biết quá trình này “vẫn đang diễn ra” song không đề cập chi tiết./.

   

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục