Indonesia không còn nhập khẩu gạo tiêu dùng

06:08' - 17/08/2022
BNEWS Bộ Nông nghiệp Indonesia (Kementan) cho biết, Indonesia không còn nhập khẩu gạo tiêu dùng do nguồn cung gạo dồi dào.

Theo Cục trưởng Thông tin và Quan hệ công chúng, Bộ Nông nghiệp, Kuntoro Boga Andri, với mức tiêu thụ gạo như hiện nay, nguồn dự trữ gạo của Indonesia sẽ an toàn cho đến cuối năm 2022.

Dựa trên số liệu điều tra Dự trữ gạo quốc gia năm 2022 (SCBN), số lượng dự trữ gạo quốc gia cho kỳ hạn 31/3/2022 đạt 9,11 triệu tấn gạo.

 

Hồ sơ của Thống kê Trung ương (BPS) Indonesia cũng cho thấy, Indonesia đã ngừng nhập khẩu gạo cho nhu cầu nội địa, cụ thể là loại gạo trung bình. Cho đến nay, Indonesia chỉ nhập khẩu gạo cho mục đích công nghiệp.

Ông Kuntoro cho biết, Indonesia đã nhập khẩu 444,51 nghìn tấn vào năm 2019, tiếp đó, 356,29 nghìn tấn vào năm 2020 và 407,74 tấn năm 2021. Tuy nhiên, có tới 82% đến 99% nhập khẩu là gạo tấm hoặc tấm làm nguyên liệu thô công nghiệp.

Cụ thể, gạo tấm có mã HS 10064090 chủ yếu được sử dụng cho mục đích làm thức ăn chăn nuôi. Năm 2019, nhập khẩu gạo tấm đạt 98,6% tổng lượng gạo nhập khẩu. Trong khi đó, năm 2020 đạt 90,47% và năm 2021 đạt 81,63%.

Trước đó, Thứ trưởng Thống kê Sản xuất BPS M Habibullah cho biết nguồn cung gạo quốc gia cho đến tháng 6/2022 đạt 9,71 triệu tấn.

Theo ông Habibullah, “Nguồn dự trữ gạo của chúng tôi đã đủ và sẽ tiếp tục phát triển cùng với vụ thu hoạch hàng tháng cho đến cuối tháng 12/2022”.

Dự trữ gạo trong tháng 6 đầu năm 2022 nằm ở các khu vực khác nhau, trong đó chủ yếu là tập trung trong các hộ gia đình (6,6 triệu tấn), các cơ sở thương nhân (1,04 triệu tấn), kho dự trữ Bulog (1,2 triệu tấn), trong các nhà máy và dịch vụ khách sạn (0,69 triệu tấn)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục