Indonesia sẽ trở thành thị trường hàng không lớn thứ 4 thế giới vào năm 2037

07:47' - 26/08/2024
BNEWS Bộ trưởng Bộ Điều phối Hàng hải và Đầu tư Luhut Pandjaitan cho biết Indonesia đang mời các công ty dầu khí tư nhân sản xuất nhiên liệu máy bay trong nỗ lực giảm giá vé máy bay trong nước.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Indonesia không có lợi thế cạnh tranh trong ngành này, nên không hấp dẫn các nhà đầu tư. Theo Moshe Rizal, người đứng đầu Ủy ban đầu tư của Hiệp hội các công ty dầu khí (Aspermigas), đầu tư vào các nhà máy lọc dầu để chế biến dầu thô rất tốn kém, trong khi Indonesia vẫn phụ thuộc vào việc nhập khẩu dầu thô.

 

Hơn nữa, các nhà máy lọc dầu không chỉ sản xuất nhiên liệu máy bay mà còn sản xuất các loại nhiên liệu khác tùy theo nhu cầu thị trường. Vì vậy, “hợp lý hơn” là nên tập trung vào phát triển sản xuất nhiên liệu máy bay bền vững (SAF) để tận dụng vị thế Indonesia là nhà sản xuất dầu cọ thô (CPO) lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Luhut cho biết Chính phủ nước này đang hoan nghênh các công ty tư nhân đầu tư vào các dự án kho nhiên liệu máy bay (DPPU), đặc biệt là những dự án nằm ở các khu vực phía Đông. Ông dẫn dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) rằng Indonesia sẽ trở thành thị trường hàng không lớn thứ 4 thế giới vào năm 2037 với 390 triệu hành khách.

Trích dẫn dữ liệu từ Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Giám sát Cạnh tranh Doanh nghiệp (KPPU) cho biết, giá nhiên liệu máy bay ở Indonesia cao hơn từ 22 đến 43% so với các nước khác do tình trạng độc quyền của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Indonesia (Pertamina).

Chính phủ Indonesia đã đặt mục tiêu đưa nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trở thành một trong những nhà cung cấp SAF hàng đầu thế giới. Thực tế, nước này được xác định là nhà cung cấp nguyên liệu SAF tiềm năng và đã triển khai các dự án thí điểm về sử dụng nhiên liệu sinh học cho máy bay kể từ năm 2021.

Tuy nhiên, đến nay, nhà máy sản xuất SAF của Chandra Asri và LX International được công bố vào năm 2022 là dự án sản xuất SAF đáng chú ý duy nhất đã bị chậm tiến độ do sự không chắc chắn về nhu cầu và các ưu đãi tài chính.

Theo Văn phòng Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư, dự kiến tháng 9 tới, Indonesia sẽ đưa ra lộ trình quốc gia phát triển SAF, trong đó tập trung vào việc sử dụng chất thải CPO làm nguyên liệu sản xuất SAF.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục