Indonesia xem xét áp mức thuế mới với 3 nhóm sản phẩm

16:29' - 19/02/2020
BNEWS Bộ Tài chính Indonesia đã đề xuất mức thuế mới đối với đồ uống có đường, xe ô tô có thải carbon dioxide và túi nilon, nhằm kiểm soát tiêu thụ các sản phẩm này.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati ngày 19/2 đã đề xuất mức thuế mới đối với đồ uống có đường, xe ô tô có thải carbon dioxide và túi nilon, nhằm kiểm soát tiêu thụ các sản phẩm này tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Đề xuất của bà Indrawati được đưa ra tại phiên điều trần trước Ủy ban tài chính của Quốc hội Indonesia, giữa bối cảnh nguồn thu thuế của nước này đang có xu hướng suy giảm, sau khi nền kinh tế chứng kiến mức tăng trưởng chậm nhất trong ba năm trong năm ngoái.

Doanh thu từ thuế của Indonesia đã giảm gần 15 tỷ USD trong năm 2019, do lợi nhuận của các doanh nghiệp suy yếu và xuất khẩu giảm sút.

Theo đề xuất trên, mức thuế tiêu thụ đặc biệt từ 1.500 rupiah đến 2.500 rupiah (0,11- 0,18 USD) sẽ được đánh vào mỗi lít đồ uống có đường và đồ uống ngọt nhân tạo, như trà đóng chai, cà phê, nước ngọt có ga và nước tăng lực, nhằm cắt giảm lượng tiêu thụ đồ uống ngọt, khi tỷ lệ bệnh tiểu đường và béo phì tại Indonesia liên tục tăng trong thập kỷ qua.

Theo thống kê vào năm 2018, khoảng 2% số dân trong độ tuổi từ 15 trở lên ở Indonesia mắc bệnh tiểu đường, tăng từ mức 1,1% năm 2007, trong khi số người trưởng thành béo phì cũng tăng từ 10,5% năm 2007 lên 21,8% năm 2018.

Bà Indrawati một lần nữa trình lên Quốc hội đề xuất từng được đưa ra năm 2017 những chưa được phê duyệt về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt 200 rupiah đối với mỗi chiếc túi nilon.

Tiền thuế thu được từ việc này, mặc dù nhỏ, song theo bà, có thể giúp giảm một nửa mức tiêu thụ túi nilon ở Indonesia xuống còn 53.533 tấn mỗi năm.

Chính phủ Indonesia cũng muốn áp thuế đối với các loại ô tô có thải khí carbon dioxide như một phần trong nỗ lực kiểm soát ô nhiễm.

Các mức thuế đánh vào mặt hàng này sẽ khá đa dạng, bởi tùy thuộc vào mức phát thải của từng loại xe cũng như các yếu tố khác.

Tổng doanh thu từ việc triển khai ba chính sách thuế nói trên trong tài khóa 2020 ước tính sẽ đạt 23.560 tỷ rupiah (1,72 tỷ USD), bao gồm 1.610 tỷ rupiah từ việc đánh thuế túi nilon, 6.250 tỷ rupiah từ đồ uống ngọt và 15.700 tỷ rupiah từ ô tô.

Bà Indrawati không nêu rõ thời điểm cụ thể chính phủ sẽ áp dụng các loại thuế tiêu thụ đặc biệt nói trên. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm và Đồ uống Indonesia Adhi S. Lukman cho biết, đề xuất này sẽ làm tăng giá hàng hóa và ảnh hưởng tiêu cực tới sức mua của người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục