Iran: Nguyên nhân và những tác động của sự sụt giá đồng rial (Phần 2)

05:30' - 22/10/2018
BNEWS Liệu cuộc khủng hoảng tiền tệ có dẫn đến sự sụp đổ kinh tế và tình trạng nghèo khổ trên diện rộng? Các cú sốc kinh tế tiêu cực từ bên ngoài không phải không phổ biến ở các nước đang phát triển.
Đồng rial của Iran (phải) và đồng USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Chúng thường bắt đầu với một cuộc khủng hoảng tiền tệ, rồi lan sang phần còn lại của nền kinh tế. Quy trình của sự lan truyền này tương đối khác ở Iran, nơi mà nhờ có dầu mỏ, chính phủ là bên kiếm lời chủ yếu từ ngoại tệ, nhiều hơn so với ở các nước như Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà điều này là không đúng.

Chẳng hạn, ở cả Argentina lẫn Thổ Nhĩ Kỳ, các ngân hàng tư nhân vay những khoản nợ lớn được định giá bằng đồng USD từ các chủ nợ nước ngoài.

Sau một cú sốc, việc thanh toán và trả lãi các khoản nợ này nhanh chóng trở nên tốn kém hơn. Để ngăn không cho các ngân hàng phá sản, chính phủ đẩy cao lãi suất, gây tổn hại tới sản lượng, hoặc gia hạn tín dụng cho các ngân hàng, gây ra lạm phát.

Điều kỳ lạ là không giống như ở Argentina hay Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Iran có thể giúp ích cho hệ thống ngân hàng của nước này. Điều này không phải là vì các ngân hàng Iran vững mạnh hơn - trái lại, họ đã vỡ nợ trong nhiều năm - mà vì các khoản nợ lớn của họ được tính bằng đồng rial, và lạm phát có thể xóa bỏ chúng. 

Các ngân hàng đã và đang phải chịu những tác động tiêu cực do bất động sản Iran sụt giá cách đây 5 năm. Tuy nhiên, tình trạng sụt giá đã khiến lạm phát gia tăng rất nhanh, có khả năng vượt ngưỡng 50% trong năm nay, làm gia tăng giá trị của bất động sản và các tài sản khác do các ngân hàng sở hữu.

Tương tự, tác động của tình trạng sụt giá đối với thu nhập ở Iran không giống như ở một quốc gia điển hình. Chính phủ Iran có thể phân bổ ngoại hối mà họ thu được từ dầu mỏ để trợ cấp cho các khu vực hoặc các nhóm dân cư cụ thể. 

Ở Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ là bên mua ròng ngoại hối, do vậy họ không thể làm điều đó. Đó là lý do giải thích tại sao việc đề cập tới tỷ giá hối đoái ở Iran, như điều người ta thường làm, lại dẫn tới sai lầm.

Hiện tại, Iran có 3 tỷ giá hối đoái khác nhau. Thứ nhất là tỷ giá trên thị trường tự do, vốn có quy mô khá nhỏ và, theo một quan chức thuộc ngân hàng trung ương, chỉ chiếm 3% lượng tiền tệ được giao dịch. Gần đây, tỷ giá này dao động ở mức 140.000 rial đổi 1 USD. 

Thứ hai là tỷ giá trên thị trường nơi các nhà xuất khẩu và nhập khẩu được cấp phép giao dịch với nhau. Tỷ giá trên thị trường này trong thời gian gần đây ở vào khoảng 90.000 rial đổi 1 USD.

Cuối cùng, chính phủ bán tới một nửa thu nhập từ kinh doanh ngoại hối với tỷ giá thấp hơn nhiều - 42.000 rial đổi 1 USD - để nhập khẩu các nhu yếu phẩm gia dụng cơ bản và hàng hóa cần thiết cho sản xuất công nghiệp.

Vì có những tỷ giá hối đoái khác nhau này nên tình trạng sụt giá tác động không đồng đều đến tất cả các khu vực. Từ tháng 4/2018, trong khi tỷ giá trên thị trường tự do giảm hơn 60%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 16%.

Do đó, việc đánh giá mức độ sụt giảm về tiêu chuẩn sống dựa trên mức độ sụt giảm về giá trị của đồng rial sẽ dẫn tới sai lầm.

Chính phủ Iran đã phản ứng trước các điều kiện kinh tế đang xấu đi bằng các chương trình gia tăng sự bảo vệ đối với người nghèo trước những hậu quả tồi tệ nhất của các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ vẫn là vấn đề kinh tế lớn hơn.

1/3 nam giới và 1/2 nữ giới dưới 30 tuổi có bằng đại học đang thất nghiệp. Đồng rial giảm giá có thể giúp chính phủ tạo công ăn việc làm bằng cách gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu ngoài dầu mỏ của Iran.

Tuy nhiên, vẫn có hạn chế trong việc tạo công ăn việc làm chừng nào các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ còn ngăn chặn Iran tiếp cận hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Giờ đây, Iran phụ thuộc vào Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Nga để được tiếp cận các thị trường toàn cầu, khi các cường quốc này tìm cách cứu vãn những gì còn sót lại của thỏa thuận hạt nhân mà trong đó họ là các bên tham gia. Liệu các cường quốc này có thể mở đường sống cho nền kinh tế Iran hay không vẫn là một câu hỏi mở.

Việc Mỹ áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Iran, nhưng không thể thực sự đánh giá nó dựa trên mức độ sụt giá tiền tệ của Iran. Những gì diễn ra với nền kinh tế Iran phần lớn phụ thuộc vào ảnh hưởng của sự sụt giá tiền tệ đối với tình trạng công ăn việc làm và thu nhập thực tế. 

Ngay cả khi đó, việc công chúng Iran sẽ phản ứng ra sao trước khó khăn về kinh tế vẫn là ẩn số lớn hơn: Người dân Iran sẽ hối thúc các nhà lãnh đạo của họ nhượng bộ trước những đòi hỏi của Mỹ như chính quyền Trump hy vọng, hay họ sẽ từ bỏ nền chính trị cử tri và các mối quan hệ với phần còn lại của thế giới như những người Iran theo đường lối cứng rắn hy vọng?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục