Những tác động của việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (Phần 2)

06:30' - 20/05/2018
BNEWS Quyết định rút khỏi JCPOA tác động không nhỏ đến phần còn lại của thế giới, bởi vì Mỹ có thể sử dụng các công cụ trừng phạt quyền lực của mình để buộc các quốc gia ngừng nhập khẩu dầu từ Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận đã ký Bản ghi nhớ về việc Mỹ rút khỏi JCPOA tại Nhà Trắng ngày 8/5. Ảnh: EPA/TTXVN

Bên cạnh đó, việc Tổng thống Trump cho biết ông sẽ bắt đầu triển khai "mức cao nhất" của các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran cũng làm tăng lo ngại về việc các công ty nước ngoài sẽ không thể tiếp cận vào thị trường Mỹ - thị trường lớn nhất thế giới, trừ khi họ cũng tuân thủ các biện pháp trừng phạt nhằm chống lại Iran.

Luật pháp Mỹ cho phép Bộ Thương mại áp đặt các lệnh trừng phạt lên những công ty tài chính nước ngoài có giao dịch với Ngân hàng trung ương Iran, trừ khi tại những quốc gia quê hương của các công ty này nhất trí cắt giảm một cách đáng kể số lượng dầu nhập từ Iran.

Mặc dù trong luật không quy định rõ “một cách đáng kể” là như thế nào, song trước đây chính quyền Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu rằng cứ trong 180 ngày thì các nước phải điều chỉnh giảm lượng dầu thô nhập từ quốc gia hồi giáo khoảng 20%.

Ông Trump có thể hướng đến một phương án khác, song giới phân tích cho rằng ông hoàn toàn có thể lựa chọn một kịch bản có sẵn trong khi vẫn tiếp tục đàm phán với các nước châu Âu để tìm ra điều mình muốn.

Khi đó, với việc Iran xuất khẩu gần 2,5 triệu thùng/ngày, mức giảm sẽ là khoảng 500.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, con số này vẫn là rất thấp nếu so với hồi năm 2012 dưới thời của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama khi các lệnh trừng phạt khiến xuất khẩu dầu của Iran giảm 1 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, những gì xảy ra tiếp theo trên thị trường năng lượng thế giới nói chung được cho là sẽ không quá dữ dội do nó phụ thuộc vào phản ứng của chính bản thân Iran, các đối tác nước ngoài cũng như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga, cũng như các đại gia “vàng đen” khác.

Những quốc gia này đang giới hạn lượng dầu sản xuất mỗi ngày để hạn chế tình trạng cung vượt cầu trên thị trường năng lượng và trong bất kỳ tình huống nào, họ cũng có công suất dư thừa dồi dào để bù đắp cho sự suy giảm lượng cung cấp dầu từ Iran.

Quyết định của ông Trump sẽ gián tiếp làm gia tăng căng thẳng với liên minh xuyên Đại Tây Dương kể từ khi ông nhậm chức 16 tháng trước, đặc biệt sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu đã tiến hành chuyến thăm Washington và nhiều lần kêu gọi ông Trump ở lại với thỏa thuận.

Chính quyền Trump đã để ngỏ về khả năng đàm phán một thỏa thuận khác với các đồng minh, nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu các nước châu Âu có đi theo định hướng đó và liệu họ có thể thuyết phục Iran chấp nhận điều này hay không.

Một nhà ngoại giao phương Tây đã chỉ trích bài phát biểu của ông Trump. Quan chức này cho rằng bài phát biểu này tuyên bố các lệnh trừng phạt mà các nạn nhân ban đầu chính là các đồng minh châu Âu của ông Trump. Nhà ngoại giao này cũng nói thêm rằng quyết định của ông Trump sẽ để lại ấn tượng tiêu cực sâu sắc với các đồng minh châu Âu bởi nó rõ ràng cho thấy ông Trump không quan tâm đến liên minh.

Trong khi đó, việc từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong những quyết định chiểu theo chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump mà theo đó ông đã đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, tiến gần tới chiến tranh thương mại với Trung Quốc và rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Quyết định này dường như phản ánh ảnh hưởng ngày một gia tăng của các nhân vật theo quan điểm chủ chiến với Iran trong chính quyền Mỹ như tân Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, cả hai vốn phản đối thỏa thuận này. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từng ủng hộ việc ở lại thỏa thuận, nhưng sau đó ông đã giảm bớt tính quyết đoán của mình.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục