Iran tái hội nhập kinh tế toàn cầu

18:14' - 02/03/2016
BNEWS Hơn một tháng sau khi thoát khỏi các lệnh từng phạt quốc tế, nền kinh tế Iran đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển và hội nhập trở lại nền kinh tế toàn cầu.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và Nhóm P5+1 trao cho Iran cơ hội quay lại thị trường thế giới. Ảnh: Reuters
Cơ hội vàng thúc đẩy kinh tế

Các lệnh trừng phạt và phong tỏa kinh tế của Liên hợp quốc (LHQ) và EU nhằm vào Iran được áp đặt từ tháng 12/2006, đặc biệt Mỹ và phương Tây tiếp tục dùng lá bài dầu mỏ để gia tăng sức ép đối với chính quyền Tehran từ tháng 7/2012, càng khiến Iran rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội tồi tệ.

Trong 10 năm qua, GDP của Iran đã mất khoảng 20% giá trị, lạm phát phi mã ở mức hơn 27% và đồng nội tệ rial mất giá thảm hại, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh và hàng thiết yếu trở nên eo hẹp và đắt đỏ. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn của châu Âu và Mỹ lần lượt rời khỏi thị trường Iran.

Iran có trữ lượng dầu thô qua kiểm chứng gần 158 tỷ thùng. Trước thời điểm bị áp đặt các biện pháp trừng phạt, sản lượng dầu của Iran đã ở mức 3,9 triệu thùng/ngày, trong đó lượng dầu xuất khẩu đạt 2,5 triệu thùng/ngày. Do bị cấm vận, sản lượng dầu của nước này đã giảm xuống 2,8 triệu thùng/ngày và lượng dầu xuất khẩu chỉ còn 1,2 triệu thùng/ngày hiện nay.

Trong một tháng đầu tiên thoát khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây, kinh tế Iran liên tiếp nhận được những tín hiệu tích cực.

Trước hết, Tehran được tiếp cận hơn 100 tỷ USD bị phong tỏa tại các ngân hàng nước ngoài do bị cấm vận trước đó. Đây là tiền đề để Iran đầu tư nâng cấp và phát triển hệ thống hạ tầng sản xuất dầu khí vốn đã xuống cấp nghiêm trọng do thiếu đầu tư trong nhiều năm, cũng như xây dựng các hạ tầng kinh tế-xã hội khác.

Tới nay, hầu hết hệ thống ngân hàng của nước này đã kết nối trở lại với Hiệp hội Viễn thông Liên ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT), qua đó các giao dịch thanh toán giữa doanh nghiệp Iran và các nước trở lại bình thường.

Hàng trăm công ty từ châu Âu, Mỹ, khu vực Đông Bắc Á...đã bắt đầu "nhòm ngó" thị trường này. Nhiều tập đoàn dầu khí toàn cầu như BP, Shell, Total, Staoil và Lukoil đều bày tỏ mong muốn hợp tác với Iran. Với khoảng 80 triệu dân, thị trường Iran thiếu nhiều loại hàng hóa từ hàng thiết yếu đến ô tô và linh kiện máy bay.

Iran sẵn sàng hợp tác với các công ty năng lượng nước ngoài. Ảnh: Reuters

Giữa tháng 2/2016, nước này đã xuất lô dầu đầu tiên (4 triệu thùng) sang thị trường châu Âu và dự kiến tiếp tục xuất lô dầu thứ hai ra thị trường quốc tế vào cuối tháng 2 này.

Chỉ 2 tuần sau khi Mỹ và phương Tây bãi bỏ cấm vận kinh tế đối với Iran, quốc gia Trung Đông này đã ký kết nhiều thỏa thuận kinh tế "khủng" với các đối tác quốc tế.

Cụ thể, nhân chuyến thăm châu Âu cuối tháng 1/2016 của Tổng thống Hassan Rouhani, Iran nhất trí mua 118 máy bay Airbus trị giá 25 tỷ USD (22 tỷ euro) và ký với Italy các thỏa thuận có tổng trị giá lên tới 18,5 tỷ USD bao trùm các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, thép, đóng tàu, y tế, vận tải và nông nghiệp.

Giới chuyên gia dự báo kinh tế Iran có thể tăng trưởng ít nhất 4% năm 2016.

Giá dầu thấp và các nguy cơ địa-chính trị

Tuy nhiên, nỗ lực hội nhập trở lại nền kinh tế thế giới của Iran, quốc gia dựa nhiều vào dầu mỏ, không được như mong đợi trong bối cảnh thị trường dầu mỏ đang ngập lụt nguồn cung và giá dầu đã mất hơn 70% từ mức đỉnh điểm 116 USD/thùng hồi tháng 6/2014.

Nỗ lực hội nhập trở lại kinh tế thế giới của Iran không được như mong đợi do giá dầu xuống dốc. Ảnh: AP/TTXVN

Một thách thức lớn nữa đối Iran hậu cấm vận là sự "cô lập" trong khu vực cũng như các nguy cơ địa chính trị tại Trung Đông. Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran liên quan vụ Riydh xử tử Giáo sĩ dòng Shiite al-Nimr mặc dù tới nay không có dấu hiệu leo thang thêm nữa nhưng cũng khiến Tehran "thiệt đơn thiệt kép" về kinh tế trong nhiều năm.

Sau khi Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, một loạt quốc gia đồng minh của Riyadh cũng chấm dứt và hạ cấp quan hệ với Tehran.

Trao đổi thương mại giữa các nước thuộc Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Iran đã giảm mạnh trong năm 2015 xuống còn 22 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Iran chiếm tới 70% và con số này sẽ còn giảm tiếp một khi các nước Arab vùng Vịnh không còn duy trì quan hệ thương mại với Iran.

Tehran từng kỳ vọng vào các thị trường GCC để xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp cũng như thúc đẩy du lịch. Thị trường vùng Vịnh cung cấp lượng lớn khách du lịch, đem lại hàng trăm triệu USD mỗi năm cho Iran.

Hơn nữa, hàng tỷ USD của các quốc gia GCC đã được đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác nhau ở Iran, giúp thúc đẩy kinh tế và tạo nhiều cơ hội việc làm cho nước này.

Ngoài ra, nguy cơ chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến xung đột Syria đang rình rập cũng khiến Trung Đông trở nên bất an. Môi trường kinh doanh của khu vực nói chung và Iran nói riêng có thể mất tính hấp dẫn nếu mọi vấn đề ở đây không được giải quyết bằng các giải pháp hòa bình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục