Iran thể hiện thái độ cứng rắn trước lệnh tái trừng phạt của Mỹ

11:55' - 07/08/2018
BNEWS Các biện pháp tái trừng phạt Iran của Mỹ đã chính thức có hiệu lực vào 11 giờ 01 phút ngày 7/8 (theo giờ Việt Nam).

Theo đó, chính phủ Iran sẽ bị cấm mua đồng USD, bị chặn giao dịch về vàng, các kim loại khác, cùng với than và các phần mềm công nghiệp. Ngoài ra, Mỹ cũng ngừng nhập khẩu các mặt hàng thảm và thực phẩm của Iran, đồng thời chặn một số giao dịch tài chính của nước này.

Sang đầu tháng 11, Mỹ dự kiến áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ hai nhằm vào các lĩnh vực cảng biển, năng lượng, vận tải biển và đóng tàu, các giao dịch dầu mỏ và các thỏa thuận kinh doanh giữa các thể chế tài chính nước ngoài với Ngân hàng trung ương Iran. Hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, nguồn thu ngoại tệ chủ lực của nước này, được dự báo cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lĩnh vực dầu mỏ của Iran dự báo sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: TTXVN phát

Nhưng theo các nhà quan sát, chiến lược trừng phạt của Mỹ vẫn có một số điểm yếu, đặc biệt là sự miễn cưỡng của châu Âu và Trung Quốc trong việc cắt giảm hoạt động kinh doanh với Iran. Một số nước khác như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tỏ ra không mấy sẵn sàng cho việc hoàn toàn chấm dứt nhập khẩu dầu từ Iran.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Bộ Kinh tế Iran cho biết Tehran không cho rằng các biện pháp trừng phạt của Washington sẽ mang đến những tác động kinh tế quá lớn. Quan chức này cho biết có nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước châu Âu, không đồng tình với các lệnh trừng phạt của Mỹ và vẫn muốn hợp tác với Iran.

Ngoài ra, nhằm ngăn chặn đà lao dốc của đồng nội tệ rial, chính phủ Iran cuối tuần trước đã thông báo sẽ giảm bớt các quy định về kiểm soát ngoại hối, bao gồm dỡ bỏ lệnh cấm bán ngoại tệ với lãi suất thả nổi, cho phép các phòng giao dịch bán ngoại tệ với giá thị trường không chính thức cho các mục đích như du lịch nước ngoài.

Để khuyến khích người dân Iran đưa nhiều ngoại tệ ra thị trường hơn, chính phủ cho phép ngân hàng trung ương thiết lập tài khoản tiết kiệm bằng đồng USD cho cả những người dân bình thường. Ngoài ra, người dân Iran cũng được quyền mua ngoại tệ ở tỷ giá được hỗ trợ để mua các hàng hóa cơ bản và thuốc men.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran, ông Abdolnaser Hemmati, cho biết kế hoạch này phản ánh sự tự tin của Iran khi đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Những động thái trên đã giúp bình ổn thị trường tiền tệ, với việc đồng rial mạnh lên và đứng ở mức 95.500 rial đổi 1 USD trong phiên ngày 6/8 so với mức thấp kỷ lục 119.000 rial/USD ghi nhận hồi hai tuần trước đó.

Bên cạnh đó, số liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy dự trữ ngoại hối ròng của Iran dự kiến sẽ giảm trong năm nay xuống 97,8 tỷ USD, nhưng vẫn đủ để chi trả cho hoạt động nhập khẩu trong khoảng 13 tháng.

Một diễn biến khác cũng cho thấy lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khó có được kết quả mạnh mẽ như mong muốn là việc Ủy ban điều hành của Liên minh châu Âu (EU) ngày 6/8 đã thông báo "cơ chế phong tỏa" của khối này cũng sẽ có hiệu lực vào cùng thời điểm với các lệnh trừng phạt của Washington.

Cơ chế nêu trên sẽ ngăn các công ty châu Âu tuân thủ theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ, trừ khi được sự cho phép của Ủy ban châu Âu. Đồng thời, cơ chế này cũng ngăn chặn ảnh hưởng của các hành động pháp lý từ phía Mỹ và giúp các công ty châu Âu có thể khắc phục những thiệt hại do lệnh trừng phạt gây ra.

Chính phủ các nước thành viên EU cũng được quyền sử dụng các biện pháp đáp trả hiệu quả, cân xứng và mang tính răn đe trong trường hợp doanh nghiệp của họ bị thiệt hại.

Quan chức phụ trách vấn đề ngoại giao của EU, bà Federica Mogherini mới đây trả lời phỏng vấn báo giới trong cuộc công du tới New Zealand cũng cho biết khối này khuyến khích các công ty châu Âu gia tăng hoạt động kinh doanh với Iran do quốc gia này đã tuân thủ các yêu cầu trong thỏa thuận hạt nhân.

Bà Mogherini nói rằng châu Âu sẽ tự quyết định những đối tác làm ăn của mình, và khối này nhận thấy việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran vô cùng quan trọng với thương mại là một phần không thể tách rời của thỏa thuận này.

>>>LHQ kêu gọi các nước ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran sau lệnh tái trừng phạt của Mỹ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục