Italy - "điểm nóng" của dòng người di cư vào châu Âu

06:03' - 04/08/2016
BNEWS Sau khi thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ-Liên minh châu Âu (EU) về người di cư được ký kết vào cuối tháng Ba vừa qua, Italy đã trở thành điểm đến chính của dòng người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi vào châu Âu.
Italy - "điểm nóng" của dòng người di cư vào châu Âu. Ảnh: Reuters/TTXVN

Sau khi thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ-Liên minh châu Âu (EU) về người di cư được ký kết vào cuối tháng Ba vừa qua, đóng lại con đường trung chuyển người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp và từ đó di chuyển qua các nước Balkan để đi tiếp lên các nước Bắc Âu, Italy đã trở thành điểm đến chính của dòng người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi vào châu Âu.

Số liệu thống kê mà Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) mới công bố cho thấy từ tháng 1 đến hết tháng 7/2016, đã có 256.319 người di cư "đổ bộ" vào châu Âu bằng đường bộ và đường biển, 253.843 người trong số đó đến Hy Lạp và Italy, tương đương với 99% số người ngày.

Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp có hiệu lực, số người đổ vào Hy Lạp đã giảm hẳn, khi bọn buôn người quay trở lại sử dụng con đường truyền thống Địa Trung Hải để đưa người từ Bắc Phi sang châu Âu.

Thống kê của Bộ Nội vụ Italy cho hay trong bốn tháng kể từ sau thỏa thuận đó, số người đến Italy đã đạt con số 75.000 người, tháng sau nhiều hơn tháng trước. Trong tháng Bảy, số người đến Italy là 23.389 người, cao hơn tháng trước đó 1.018 người và cao gấp 3 lần số người tới Italy vào tháng Ba, khi thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ-EU chưa có hiệu lực.

Tháng trước cũng là tháng mà số người đến Italy cao nhất kể từ nhiều năm nay, chiếm 93% tổng số người di cư đến châu Âu trong một thời điểm. Số trẻ em di cư không có người lớn đi kèm đặt chân tới Italy sau các chuyến tàu vượt biển cũng đã ở mức báo động, 11.520 người trong 7 tháng đầu năm. Cả năm ngoái, con số này là 12.360 trẻ.

Theo báo chí Italy, dòng người đổ sang Italy ngày một đông như trên đã được dự báo từ trước, sau khi con đường Balkan đóng lại. Tuy nhiên, dư luận Italy lo ngại rằng việc dòng người ồ ạt tới Italy có thể làm gia tăng áp lực lên các hệ thống tiếp nhận người di cư tạm thời hiện đã quá tải và có thể gây ra các bất ổn xã hội cũng như các nguy cơ về an ninh.

Điều này đòi hỏi Chính phủ Italy phải thúc đẩy nhanh quá trình xem xét quy chế tị nạn và gia tăng việc trục xuất những ai không đủ tiêu chuẩn để được ở lại. Hiện đang có hơn 140.000 người di cư đang ở trong các trại tiếp nhận tại Italy.

Bộ Nội vụ Italy cũng cho hay trong hai ngày đầu tháng Tám, đã có 1.500 người di cư được các lực lượng Hải quân và Bảo vệ bờ biển nước này cứu khi đang lênh đênh trên biển Địa Trung Hải, trên các con tàu hướng đến Italy.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục