Kế hoạch Brexit của Anh bị EU bác thẳng thừng

10:17' - 21/09/2018
BNEWS Kế hoạch kinh tế mới của Thủ tướng Anh Theresa May đã bị các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) bác thẳng thừng với lý do nó “sẽ không hiệu quả”.

Thủ tướng Theresa May có thời hạn là bốn tuần để “cứu” cuộc đàm phán Brexit.

Thủ tướng Anh Theresa May tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU ở Salzburg, Áo ngày 20/9/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước khi hội nghị thượng đỉnh không chính thức tại Salzburg (Áo) diễn ra trong hai ngày 19-20/9, các đồng minh của Thủ tướng Anh May đã hy vọng rằng EU sẽ nhân hội nghị này để dành những lời khích lệ cho kế hoạch Brexit, chỉ việc Anh rời EU, được Nội các Anh thông qua tại Chequers giữa tháng Bảy vừa qua, qua đó giúp bà May chống đỡ với những chỉ trích của những nghị sĩ theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu thuộc đảng Bảo thủ.

Thế nhưng, mọi điều lại diễn ra ngược lại khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk, bác bỏ điểm trọng tâm trong đề xuất của Thủ tướng May liên quan đến khu vực thương mại tự do trong lĩnh vực hàng hóa và nông nghiệp giữa Anh và EU.
Mặc dù thừa nhận bản kế hoạch Brexit được thông qua tại Chequers hồi giữa tháng Bảy vừa qua có nhiều điểm tích cực, song ông Tusk cho rằng khung hợp tác kinh tế này sẽ không hiệu quả.

Theo ông, đề xuất trên sẽ tạo mối đe dọa cho Khu vực thị trường chung châu Âu, bởi theo tinh thần của kế hoạch này, Anh sẽ vẫn được trao quyền tiếp cận Khu vực thị trường chung về mặt giao dịch hàng hóa, song nước này lại không tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản của EU như sự di chuyển tự do của người dân giữa Anh và EU.
Đáp trả lại, Thủ tướng May khẳng định chỉ có bản kế hoạch Brexit được Nội các Anh thông qua hồi tháng 7/2018 mới mang lại một kế hoạch “nghiêm túc và đáng tin” để tạo mối quan hệ thương mại không rào cản giữa Anh và EU, trong đó bao gồm cả vấn đề biên giới Ireland.

Bà cũng khẳng định lại việc sẵn sàng dẫn nước Anh rời khỏi EU đúng thời hạn mà không cần đạt được một thỏa thuận nào. Một lần nữa bà May kiên định với lập trường không chấp nhận kế hoạch liên minh hải quan của EU nhằm tránh biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, đồng thời cho biết nước Anh sẽ sớm đưa ra đề xuất của mình về vấn đề này.
Phát biểu tại Salzburg, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, một trong những người phản ứng mạnh mẽ nhất đối với kế hoạch Brexit được thông qua tại Chequers, lưu ý rằng Brexit cho thấy một thực tế rằng rút khỏi EU là không dễ dàng và điều này diễn ra không phải không có trả giá hay hậu quả nào.
Làm gia tăng thêm sức ép lên Thủ tướng Anh, Chủ tịch EC, Donald Tusk, tuyên bố rằng “khoảnh khắc sự thật” trong đàm phán Brexit sẽ hé lộ tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels ngày 18/10 tới và ông cũng bày tỏ mong muốn hội nghị tạo được bước ngoặt trong vấn đề gai góc là biên giới Ireland.

Trong ảnh (từ trái sang): Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị thượng đỉnh không chính thức EU ở Salzburg, Áo ngày 20/9/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ông Tusk nhấn mạnh rằng chỉ khi hội nghị này đạt được tiến bộ, ông mới triệu tập một hội nghị thượng đỉnh khác vào giữa tháng 11 tới để kết thúc thỏa thuận này.
Như vậy, những nỗ lực của Thủ tướng May đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo EU nhằm đẩy nhanh tiến trình đàm phán cũng như những thỏa hiệp nhượng bộ của bà thông qua bản kế hoạch Brexit mà bà đệ trình nhằm tạo bước ngoặt cho tiến trình này vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Và trên thực tế, những phản ứng của các quan chức EU về kế hoạch của bà May dường như lại khuyến khích những nghị sĩ chỉ trích bà May trong đảng Bảo thủ, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, đẩy mạnh chiến dịch phản đối bản kế hoạch Brexit của bà May tại hội nghị đảng Bảo thủ diễn ra vào cuối tháng này.

Dư luận cho rằng Thủ tướng May sẽ đối mặt với không ít khó khăn để bảo vệ kế hoạch cũng như "chiếc ghế" của bà.
>>>Thủ tướng Anh sẽ đàm phán trực tiếp với các nhà lãnh đạo EU về Brexit

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục